Sàn tiền mã hóa FTX vừa nộp đơn xin phá sản, một bước tiến nữa xuống “vực thẳm” của nhà sáng lập Sam Bankman-Fried.
>>Binance lên kế hoạch thâu tóm sàn giao dịch tiền điện tử FTX
Sam Bankman-Fried là tỷ phú giàu nhất thế giới dưới 30 tuổi trong lĩnh vực tiền mã hóa với giá trị tài sản từng được định giá hơn 22 tỷ USD. Anh vừa là Tổng giám đốc đồng thời cũng là nhà sáng lập của sàn giao dịch FTX và công ty đầu tư Alameda Research. Nhưng chỉ trong vài ngày gần đây, sàn tiền mã hóa FTX của Sam chỉ còn 1 tỷ USD. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia “đế chế” lớn nhất nhì thị trường tiền mã hóa giờ có thể chỉ đáng giá 1 USD.
Giới tiền mã hóa không ai không biết Sam Bankman-Fried, một tỷ phú còn rất trẻ, sinh năm 1992 tại Stanford, thuộc bang California, Mỹ.
Sam bắt đầu khởi nghiệp từ tháng 11/2017 sau khi anh rời Jane Street Capital. Anh ta cùng người bạn của mình là Gary Wang tự thành lập một công ty giao dịch có tên Alameda Research – một công ty đầu tư và giao dịch theo định lượng, hỗ trợ các hình thức giao dịch tiền mã hóa và giao dịch của các loại cổ phiếu chưa được niêm yết, mặc dù thời điểm đó, anh chưa thực sự có nhiều kiến thức trong thị trường tiền mã hóa. Sam từng chia sẻ rằng không biết gì về tiền mã hóa, thậm chí không hiểu gì về Blockchain.
Con đường trở thành tỷ phú của Bankman-Fried bắt đầu từ khi anh ta phát hiện hiện tượng chênh lệch giá bitcoin ở các khu vực trên thế giới. Sam đã nhanh chóng biến cơ hội thành rất nhiều tiền.
Đó là khoảng đầu năm 2018, Sam đã phát hiện KimChi Premium – kinh doanh chênh lệch giá do nhu cầu mua Bitcoin lớn từ Hàn Quốc, có thời điểm BTC cao hơn 50% so với thị trường Mỹ.
Sau đó, Sam cũng tìm hiểu được việc chênh lệch giá xảy ra ở nhiều nơi khác. Anh ta nhanh chóng nắm bắt cơ hội khi giá Bitcoin khi đó ở Nhật Bản cao hơn so với ở Mỹ, nên đã tổ chức một chiến dịch giao dịch chênh lệch giá, giúp tổng giá trị tài sản tăng lên tới 25 triệu USD mỗi ngày.
Tính đến năm 2021, Sam sở hữu khoảng 90% cổ phần của Alameda Research.
Sau khi tham gia thị trường và hái được quả ngọt, anh đã nắm bắt nhanh chóng lĩnh vực này và thành công thực sự đến với Bankman-Fried khi anh ta và Gary Wang cùng thành lập FTX vào tháng 4/2019, một sàn giao dịch phái sinh của tiền mã hóa và ra mắt thị trường chỉ một tháng sau đó.
Khác với các sàn giao dịch như Coinbase, sàn FTX hướng đến các sản phẩm giao dịch phái sinh giống mô hình tại các ngân hàng đầu tư, bao gồm hợp đồng tương lai, quyền chọn, đòn bẩy và chỉ số biến động. Các hoạt động với chi phí thấp nên tỷ suất lợi nhuận rất cao, khoảng 50%.
FTX nhanh chóng phát triển thành một sàn giao dịch tiền mã hóa được nhiều người lựa chọn.
Chỉ sau 2 năm ra mắt, sàn FTX đã phát triển vượt bậc với khối lượng giao dịch phái sinh hàng ngày là 12 tỷ Đô la, chỉ sau Bybit, OKEx và Binance. Năm 2021, Sam đã mua lại cổ phần của Binance với giá 2,3 tỷ Đô la.
Vào thời điểm “bùng nổ” thị trường tiền mã hóa khi Bitcoin tăng giá mạnh, FTX đã ghi nhận khối lượng giao dịch lên tới hơn 400 tỷ USD.
Sàn giao dịch FTX mà anh thành lập đã gọi được 900 triệu USD từ những nhà đầu tư như Coinbase Ventures và Softbank vào tháng 07/2021, với tổng định giá lên đến 18 tỷ USD. Tính đến ngày 12/03/2022, sàn này đang nắm giữ tổng giá trị tài sản ròng lên tới 24,5 tỷ USD.
Tháng 3 năm 2022, Sam thông báo ra mắt các chi nhánh bao gồm FTX.US và FTX Australia nhằm phủ sóng toàn cầu và thâu tóm thị trường toàn thế giới.
Sam cũng ủng hộ các dự án tiền mã hóa BlockFi, Voyager Digital và Celsius. Anh cũng đầu tư vào Robinhood Markets, làm dấy lên đồn đoán tỷ phú tiền mã hóa trẻ tuổi sẽ tiếp quản ứng dụng giao dịch này. Mới năm ngoái, Sam nói rằng một khi Sàn tiền mã hóa FTX đủ lớn, nó có thể nuốt chửng CME Group hoặc Goldman Sachs
Trong một cuộc gọi với Entrepreneur.com, Bankman-Fried thừa nhận rằng sai lầm lớn nhất của anh ấy là không tham gia thị trường tiền mã hóa sớm hơn.
Sam Bankman-Fried được tạp chí Forbes vinh danh thứ 32 trong bảng xếp hạng Forbes 400 vào tháng 10/2021 với tổng trị giá ước tính lên tới 22,5 tỷ USD và là một trong những người giàu nhất lịch sử thế giới khi chưa tới độ tuổi 30.
>>Tiền mã hóa mất giá, Binance lập quỹ đầu tư vào web 3.0
Vị trí người giàu nhất lịch sử thế giới khi chưa tới 30 tuổi của Sam có khả năng bị mất chỉ trong vài ngày gần đây. Ai cũng muốn biết chuyện gì đã xảy ra.
Mọi chuyện liên quan rất lớn đến Binance, một sàn giao dịch điện tử do tỷ phú Changpeng Zhao dẫn đầu. Năm 2019, FTX và một sàn giao dịch phái sinh đã được Binance đầu tư.
Cặp bài trùng FTX và Binance cũng liên tục bị các cơ quan quản lý “soi” và phải liên tục điều trần.
Hai công ty này cũng là đối thủ trong cuộc đấu thầu mua lại tài sản của Voyager Digital và FTX sau đó giành phần thắng.
Trong nhiều tháng, Changpeng Zhao và Sam Bankman-Fried đã trở thành những cái tên thịnh hành trên Twitter, với nhiều vấn đề từ vận động hành lang cho đến những cáo buộc về gian lận trong giao dịch.
Màn kịch thực sự bắt đầu khi tuần trước, một báo cáo vào ngày 2/11 tiết lộ tài liệu tài chính nội bộ của FTX. Báo cáo này cho thấy sự trùng lặp đáng nghi giữa sàn giao dịch tiền mã hóa FTX của Bankman-Fried và quỹ phòng hộ Alameda Research của anh ấy.
Theo báo cáo, bảng cân đối kế toán của Alameda được hỗ trợ một phần lớn từ token FTT, và do đó, có một nền tảng không ổn định. Lượng FTT trị giá 5,82 tỷ USD được ghi trên bảng cân đối kế toán của Alameda tính đến ngày 30/6 bằng với tổng giá trị khoảng 3,32 tỷ USD trong toàn bộ đợt chào bán FTT vào ngày hôm đó.
Trong khi Tổng giám đốc của Alameda, Caroline Ellison phủ nhận các cáo buộc và chỉ ra dữ liệu không đầy đủ nhưng tâm lý không chắc chắn vẫn còn trên thị trường.
Ngay lập tức đối thủ của Sam, Changpeng Zhao giáng thêm một đòn chí mạng khi chia sẻ trên Twitter rằng Binance sẽ thanh lý khoản nắm giữ đồng tiền mã hóa có tên FTT được phát hành bởi FTX. Theo ước tính của Tổng giám đốc CryptoQuant, Ki Young Ju, Binance sở hữu ít nhất 24 triệu FTT, trị giá 547 triệu USD - một số tiền có thể tác động rất lớn đối với thị trường.
Mặc dù Zhao nhấn mạnh rằng quyết định bán toàn bộ FTT không nhằm vào đối thủ cạnh tranh của họ nhưng mọi thứ có vẻ rất khác thường khi thông báo bán với số lượng lớn như vậy trước khi bán thực tế. Thông báo như vậy chẳng khác bảo tất cả những người khác tham gia thị trường phải nhanh chóng bán đi nếu không sẽ mất giá.
Tổng giám đốc của Binance tiếp tục giáng thêm đòn khi ám chỉ đến vụ sụp đổ của LUNA trên twitter, cũng như ẩn ý rằng sẽ “không hỗ trợ những người vận động hành lang chống lại các công ty khác trong ngành sau lưng họ”.
Sau tuyên bố của CZ, những đợt thanh lý đầu tiên đã bắt đầu. Binance xác nhận rằng một ví không xác định đã chuyển 30 triệu token FTT (trị giá khoảng 584,8 triệu USD) đến Binance. Đây là “một phần” trong việc thanh lý token FTT thuộc sở hữu của Binance.
Ngay lập tức sau thông báo của Changpeng Zhao và tình trạng tài sản của FTX các nhà đầu tư bắt đầu rút tiền. Đồng FTT sau đó sụt giá mạnh. FTX chìm trong khủng hoảng thanh khoản, giá tiền mã hóa này kể từ đó đã giảm khoảng 80%.
Theo Bloomberg, giá trị tài sản ròng của Bankman-Fried chỉ còn khoảng 1 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index, giảm từ 15,6 tỷ USD vào thứ Ba (8/11). Mức giảm 94% một ngày là lớn nhất trong lịch sử theo dõi tỷ phú tài sản tỷ phú của Bloomberg.
Mới đây, Sam đã thông báo với các nhà đầu tư của FTX rằng công ty đang rất cần tiền mặt, nếu không sẽ phá sản. Ngày 12/11 FTX đã nộp đơn phá sản. Sam thực sự đã rơi xuống vực thẳm, còn thị trường tiền mã hóa đang phải đối mặt với những tác động sâu sắc.
Có thể bạn quan tâm