Sân bay Long Thành có thể được khởi công đúng hẹn

Linh Nga 27/05/2019 00:00

Báo cáo kế hoạch thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ trình FS giai đoạn 1 lên Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định nhà nước vào tháng 6/2019.

Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đang chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp với tư vấn khẩn trương hoàn thành báo cáo cuối kỳ Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành.

Báo cáo này sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định nhà nước vào tháng 6/2019.

Dự án sân bay Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 chậm nhất vào năm 2025.

Báo cáo kế hoạch thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ trình Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định FS giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành từ tháng 6/2019. Cuối tháng 8/2019 Chính phủ gửi FS giai đoạn 1 cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra.

Nếu FS được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2019 và các công việc tiếp theo diễn ra đúng kế hoạch thì trong khoảng tháng 1 đến tháng 3/2020 sẽ tiến hành lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật hạng mục san nền, chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật hạng mục khu bay, nhà ga...

Sau đó, lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật hạng mục san nền sẽ diễn ra vào tháng 4/2020-6//2020. Tháng 6/2020 - 7/2021 lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật hạng mục khu bay, nhà ga... Bước lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật hạng mục san nền sẽ diễn ra vào tháng 4 đến tháng 6/2020…

Trong đấu thầu xây lắp, tiến độ sẽ là đấu thầu xây dựng hạng mục san nền vào tháng 7/2020 - 9/2020. Đấu thầu xây dựng hạng mục khu bay tháng 4/2021 - 11/2021. Đấu thầu xây dựng hạng mục nhà ga từ tháng 8/2021 - 2/2022.

Bước xây lắp dự kiến khởi công hạng mục san nền tháng 10/2020. Khởi công hạng mục khu bay tháng 12/2021. Khởi công hạng mục nhà ga tháng 3/2022.

Như vậy, theo Bộ Giao thông vận tải thì ACV phấn đấu để có thể khởi công dự án vào cuối năm 2020.

Theo báo cáo về dự án giải phóng mặt bằng, đối với hai khu tái định cư, ngày 11/3/2019 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành 2 quyết định phê duyệt phương án bồi thường đối với Tổng công ty Cao su Đồng Nai với tổng giá trị phương án là 208.527.942.000 đồng. Ban đầu, UBND tỉnh Đồng Nai áp dụng đơn giá bồi thường 600 triệu đồng/ha, song giá trị bồi thường sẽ được điều chỉnh sau khi tỉnh chính thức phê duyệt đơn giá bồi thường cây cao su. Dự kiến Tổng công ty Cao su Đồng Nai sẽ bàn giao mặt bằng trong tháng 5/2019.

Những trục đường chính vào sân bay Long Thành đang được bàn bạc để trình Chính phủ. (Nguồn ảnh: Theo Thanh niên)

Những trục đường chính vào sân bay Long Thành đang được bàn bạc để trình Chính phủ. (Nguồn ảnh: Theo Thanh niên)

Đối với 3,58 ha đất của 22 hộ gia đình, cá nhân Trung tâm Phát triển quỹ đất đã kiểm đếm xong và đã chuyển hồ sơ cho UBND xã Bình Sơn và huyện Long Thành để xác nhận nguồn gốc đất.

Về 500 ha để xây dựng sân bay, đối với đất của các hộ gia đình, cá nhân, UBND huyện Long Thành đã gửi thông báo thu hồi đất cho 5.283 hộ/15.716 thửa đất/30.251.107,4 m2trên địa bàn 6 xã Bàu Cạn, Bình Sơn, Cẩm Đường, Long Phước, Long An và Suối Trầu.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và ban hành thông báo thu hồi đất đối với một số tổ chức.

Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng phần diện tích đất giai đoạn 1, phấn đấu bàn giao đất vào đầu năm 2020 để Bộ Giao thông vận tải triển khai rà phá bom mìn và các công việc liên quan đến triển khai dự án.

Trước đó, ông Đỗ Tất Bình - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) -  cho rằng việc chậm triển khai đầu tư xây dựng sân bay Long Thành không chỉ ảnh hưởng đến việc vận chuyển mà còn có nguy cơ dự án bị đội vốn. Nếu lùi lại 5 năm so với kế hoạch hoàn thành vào năm 2025, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có thể tăng lên 10 tỉ USD thay vì 5,4 tỉ USD như dự tính hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sân bay Long Thành có thể được khởi công đúng hẹn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO