Chứng khoán

"Săn" cổ phiếu ngân hàng có đà tăng trưởng tín dụng cao

Nguyễn Phương Hà 04/10/2024 4:45

5 phiên giao dịch gần đây từ 26/9 - 3/10 khối ngoại tiếp tục mua vào cổ phiếu TPB - Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Ảnh chụp Màn hình 2024-10-03 lúc 17.01.46
Khối ngoại liên tục mua vào cổ phiếu TPB, sau thông tin đà tăng trưởng tín dụng cao từ ngân hàng này trong quý 3/2024

Cụ thể phiên giao dịch ngày 3/10 nhà đầu tư ngoại mua vào 756 ngàn cổ phiếu TPB; Phiên ngày 2/10 khối ngoại mua 2,5 triệu cổ phiếu TPB; Phiên ngày 1/10 khối ngoại tiếp tục mua vào 2,2 triệu cổ phiếu. Trong mấy ngày giao dịch cuối tháng 9, TPB tiếp tục được khối ngoại săn đón mua vào gần 20 triệu đơn vị cổ phiếu.

Điều đặc biệt, so với nhóm cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30, TPB tiếp tục bùng nổ thanh khoản với giá tăng và khối lượng lớn. Cùng với VPB, SHB, VIB, TPB là cổ phiếu xếp cùng nhóm có giá trị thấp dưới 20.000 đồng/cp.

Vậy TPB có gì mà cổ phiếu này được khối ngoại săn đón như vậy?

Báo cáo nhận định về ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán MBS cho thấy quý 3/2024 được dự báo sẽ tiếp tục cải thiện so với quý 2, trong đó tăng trưởng tín dụng (TTTD) toàn hệ thống đạt 7,38% tính đến 17/09/2024 so với 6% cuối quý 2/2024 nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, lợi nhuận ròng các ngân hàng niêm yết trong quý 3/2024 có thể tăng 16,5% và là trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường. Một số ngân hàng có mức tăng trưởng nổi bật như HDB tăng 44%, TPB tăng 35% nhờ tăng trưởng tín dụng cao, CTG tăng 40% nhờ mức nền thấp cùng kỳ.

Với TPB, quý 2/2024 là động lực tăng trưởng cho lợi nhuận ròng của ngân hàng này. Trong quý 2/2024, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của TPB đạt 4.236 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ), trong đó thu nhập lãi thuần (NII) tăng 11% nhờ NIM tăng trưởng 19 điểm cơ bản, ngoài ra tăng trưởng tín dụng quý 2/2024 ở mức 4,2%.

Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi không đổi trong quý 2/2024 khi thu nhập hoạt động dịch vụ tăng 45,6% svck, bù đắp mức giảm 99,6% từ kinh doanh ngoại hối. Chi phí hoạt động giảm 28% chủ yếu do giảm lương và chi phí dự phòng. Lợi nhuận ròng trong quý 2/2024 của TPB đạt 1.523 tỷ đồng tăng 18,4%.

Theo MBS, TPB sẽ duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số với mức 16% trong năm 2024/2025 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng và bất động sản. Hơn nữa, NIM duy trì trong nửa cuối năm 2024, đạt 3,87% trong cả năm, do TPB giữ lãi suất cho vay thấp để thu hút khách hàng khi tăng trưởng tín dụng thấp trong nửa đầu năm.

Chất lượng tài sản (CLTS) của TPB cải thiện nhẹ trong nửa cuối năm 2024 nhờ nền kinh tế hồi phục và các hoạt động sản xuất kinh doanh cải thiện; Nợ nhóm 2/tổng dư nợ giảm trong 3 quý liên tiếp từ đó giảm áp lực lên việc tăng nợ xấu trong nửa cuối năm và TPB sẽ cố gắng củng cố bảng cân đối kế toán qua việc xóa nợ và trích lập dự phòng trong nửa cuối năm. MBS kỳ vọng nợ xấu của TPB đạt 2,04% năm 2024.

Với dữ liệu phân tích, MBS nâng khuyến nghị TPB với giá mục tiêu là 21.800 đồng/cp. Giá cổ phiếu đang tương đương với 1.1x thấp hơn 26% so với trung bình P/B 3 năm và thấp hơn 15% so với P/B của các ngân hàng trong ngành năm 2024.

MBS cho rằng TPB vẫn là một lựa chọn hợp lý với mức tăng trưởng lợi nhuận 20%/năm trong 2024-2026 với chất lượng tài sản dần được cải thiện. Với định giá 21.800 đồng/cp dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư và P/B, nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu này cho mục tiêu trung hạn.

Nhà đầu tư cần lưu ý, khi nắm giữ cổ phiếu TPB mặc dù tăng trưởng tín dụng còn tương đối khiêm tốn so với các ngân hàng khác, nhưng có thể thấy TPB đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất huy động đang có xu hướng tăng trở lại, nhiều khả năng ngân hàng sẽ vẫn còn gặp khó khăn trong việc hồi phục lại tốc độ tăng trưởng tín dụng, cũng như duy trì đà cải thiện NIM trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Săn" cổ phiếu ngân hàng có đà tăng trưởng tín dụng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO