Sau 3 năm đầu tư hơn 500 tỷ đồng, giá trị khoản đầu tư của VNG vào Tiki chỉ còn được ghi nhận là 33 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính năm 2018 của VNG cho biết riêng trong năm qua, khoản đầu tư của công ty vào Công ty cổ phần Tiki đã lỗ 254 tỷ đồng. Tính lũy kế kể từ khi bắt đầu rót vốn vào Tiki đến nay, VNG đã lỗ 460 tỷ đồng.
Khoản lỗ từ các công ty liên kết như Tiki đã góp phần làm lợi nhuận kinh doanh của VNG giảm đến 60% trong năm ngoái. Cụ thể công ty chỉ đạt 473 tỷ đồng lợi nhuận hoạt động kinh doanh năm 2018 so với gần 1.200 tỷ đồng năm 2017.
Bắt đầu rót vốn vào Tiki từ năm 2016 với khoản tiền 384,4 tỷ đồng; đến tháng 5/2018, VNG tiếp tục rót thêm 122 tỷ đồng vào Tiki, nâng tổng số tiền đầu tư vào sàn TMĐT này lên 506 tỷ đồng để sở hữu 28,8% cổ phần tại Tiki.
Tuy nhiên, càng mở rộng hoạt động, Tiki càng lỗ nặng. Tính đến cuối năm 2018, giá trị khoản đầu tư chỉ còn 33 tỷ đồng.
Dựa trên số lỗ mà VNG ghi nhận, ước tính Tiki lỗ 40,7 tỷ đồng trong năm 2016. Năm 2017, mức lỗ đã tăng gấp 7 lần lên 282 tỷ đồng. Đến năm ngoái, mức lỗ tăng gấp 3 lần lên khoảng 750 tỷ đồng.
Được thành lập năm 2010 và đặt trụ sở chính tại TP HCM, Tiki bắt đầu khởi nghiệp với việc bán sách trực tuyến, Tiki đã phát triển thành nền tảng thương mại điện tử quy mô đa mặt hàng, chiếm khoảng 10% lưu lượng vào các trang TMĐT tại Việt Nam.
Trang thương mại điện tử này bắt đầu vòng gọi vốn đầu tiên vào năm 2012 từ quỹ đầu tư mạo hiểm Cyberagent trước khi chốt khoản đầu tư của vòng Series B với tập đoàn Sumimoto. Sau đó là khoản đầu tư từ VNG và JD.Com (Trung Quốc).
Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2018, cơ cấu cổ đông của Tiki gồm nhiều nhà đầu tư ngoại, trong đó lớn nhất là JD.Com với 21,2%; Tập đoàn Sumitomo và công ty con sở hữu 7,87%; Finup Asia Invest (từ Hồng Kông) sở hữu 5,3% vốn điều lệ.
Sang năm nay, Tiki tiếp tục có kế hoạch gọi vốn thêm hàng chục triệu USD. Các nguồn tin cho biết, Tiki có thể gọi vốn 75 triệu USD từ quỹ đầu tư Northstar Group. Trước đó, Ngô Hoàng Gia Khánh - Giám đốc tài chính và phát triển của Tiki cho biết, trang TMĐT này đang chuẩn bị cho vòng gọi vốn mới (Series D), mục tiêu là gọi được 50 - 100 triệu USD từ các quỹ đầu tư chiến lược hay nhóm nhà đầu tư tài chính.
Để gọi vốn, Tiki cân nhắc phương án sẽ phát hành thêm cổ phiếu theo nhiều đợt. Số tiền thu về sẽ được dùng hỗ trợ công tác nghiên cứu và phát triển, xây dựng hạ tầng và đào tạo người dùng.
Các cổ đông cũ của Tiki là VNG và JD.com được cho là có thể tiếp tục tham gia vòng gọi vốn này. Sự có mặt của JD.com cũng sẽ là điểm tựa để thu hút các nhà đầu tư chiến lược khác.