“Sản xuất dễ dãi, ăn cũng dễ dãi”

VŨ PHƯỜNG 26/09/2022 04:25

Người Việt vẫn có thói quen ăn uống dễ dãi, chủ quan khi lựa chọn những thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mình. Điều này được ví như “đánh cược” tính mạng vào… niềm tin.

>>Vụ rau VietGAP dỏm vào siêu thị: Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng

Mấy ngày qua, thông tin về việc rau củ quả từ các chợ đầu mối được “phù phép”, “biến hóa” thành rau VietGAP đưa vào hệ thống siêu thị tại TP.HCM đang là nỗi lo lắng của người tiêu dùng và cũng là vấn đề đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.

Rau quả tại các chợ truyền thống vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi sự “tiện lợi” khi mua hàng. Ảnh: Vũ Phường

Rau quả tại các chợ truyền thống vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi sự “tiện lợi” khi mua hàng. Ảnh: Vũ Phường

Một lần nữa, dư luận lại “dậy sóng” với cụm từ “rau bẩn”. Cách đây gần 10 năm, hẳn nhiều người vẫn còn nhớ sự việc rau bẩn được nhập tràn lan vào nhiều hệ thống siêu thị ở Hà Nội như Citimart Indochina Plaza Hà Nội, hệ thống siêu thị Le’s mart, hệ thống siêu thị Minh Hoa, siêu thị Co.op Mart Hà Đông,… và được đẩy lên với giá cao gấp nhiều lần trước khi tới tay khách hàng.

Đáng nói, đơn vị cung ứng cho các siêu thị này là một hợp tác xã trồng rau sạch tại huyện Đông Anh (Hà Nội) đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bởi Sở NNPTNT Hà Nội. Sau khi bị báo chí “phanh phui”, siêu thị đổ lỗi cho nhà cung cấp, rằng không thể “ngày nào cũng đi giám sát xem rau sản xuất thế nào, có an toàn hay không”. Đồng thời, cũng không quên đổ lỗi cho cả… người tiêu dùng vì “chưa biết lựa chọn thông minh!”.

>>Vụ rau VietGAP dỏm vào siêu thị: Doanh nghiệp tự phá bỏ đạo đức và văn hoá kinh doanh

>>Vụ rau VietGAP dỏm vào siêu thị: Phát huy “quyền năng tối thượng” của người tiêu dùng

Hay đâu đó, chúng ta vẫn thấy những vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường học, bệnh viện, công ty gây hậu quả chết người, nó vẫn âm thầm diễn ra, rồi lại “dậy sóng”, sau đó lại lắng đi như chưa hề được nhắc đến.

Siêu thị, trung tâm thương mại đang trở thành kênh mua sắm quen thuộc với người dân đô thị, những người có thu nhập khá trước những lo ngại về an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống. Tuy nhiên, việc lựa chọn của người tiêu dùng chủ yếu vẫn dựa vào sự tin tưởng, khi việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa khó khăn và chưa trở thành thói quen.

Theo các chuyên gia, rau an toàn chỉ là xét trên phương diện lý thuyết. Thực tế, để xác định được rau “thực sự sạch” cần phải qua nhiều khâu kiểm tra, xét nghiệm với chi phí tốn kém. Trong khi đó, phần lớn người tiêu dùng vẫn “mù mờ” về khái niệm rau an toàn, trông chờ vào sự “may rủi” khi mua hàng. Người tiêu dùng chấp nhận bỏ ra nhiều tiền hơn để mua được rau an toàn, song làm thế nào để mua được sản phẩm này vẫn là câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng.

Phải nhấn mạnh rằng, hệ thống siêu thị hiện nay mới chỉ phục vụ được 15% nhu cầu hàng tươi sống của người dân. Nguồn cung chủ yếu vẫn từ các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Mà theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan có nói: “Sản xuất dễ dãi, ăn cũng dễ dãi. Với tư cách người tiêu dùng, nếu chúng ta chấp nhận sự dễ dãi thì người bán cũng sẽ dễ dãi, nhìn rộng ra không chỉ trong lĩnh vực rau sạch mà cả các vấn đề khác của xã hội".

Thế nên mới có chuyện, nhiều sản phẩm “rau thường” bị các nhà kinh doanh lợi dụng “hô biến” thành rau sạch, rau VietGAP để đánh lừa người tiêu dùng, và các bà nội trợ hàng ngày vẫn đưa vào bữa ăn gia đình cái gọi là “rau sạch” nhưng chất lượng rau như thế nào thì… chẳng ai biết!

Câu hỏi đặt ra là, vì sao hàng "bẩn" vẫn "leo" được lên kệ của các siêu thị, mặc dù để làm được điều này phải trải qua các khâu kiểm định của một loạt cơ quan chức năng? Đến bao giờ người dân mới thoát khỏi nỗi lo về thực phẩm “bẩn”?

Những vùng rau “thực sự sạch” là nỗi mong mỏi của nhiều người tiêu dùng trước vấn nạn rau “bẩn” đang tràn lan ngoài thị trường. Ảnh: Vũ Phường

Những vùng rau “thực sự sạch” là nỗi mong mỏi của nhiều người tiêu dùng trước vấn nạn rau “bẩn” đang tràn lan ngoài thị trường. Ảnh: Vũ Phường

Bàn luận về vấn đề này, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, thực phẩm được nhập vào siêu thị chịu sự quản lý của ba ngành Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Y tế. Đối với các siêu thị, việc xin giấy phép, giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm phải qua rất nhiều "cửa". Với mỗi sản phẩm, muốn có được "chỗ đứng" trong siêu thị cũng không phải là chuyện dễ dàng. Với mặt hàng thực phẩm phải có hồ sơ công bố chất lượng theo quyết định của Bộ Y tế; hàng nhập khẩu phải có tờ khai hải quan, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận đạt chất lượng nhập khẩu của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra, các đoàn kiểm tra cũng chỉ căn cứ vào hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc sản phẩm do siêu thị cung cấp. Nếu vẫn làm theo kiểu “quản lý trên giấy” như hiện nay thì thời gian tới, thực phẩm bẩn vẫn tiếp tục tái diễn và người chịu thiệt hại nhất vẫn chính là những người tiêu dùng, ông Phú nhấn mạnh.

Ngoài ra theo ông Phú, mức xử phạt nhẹ cũng là nguyên nhân để các siêu thị tiếp tục kinh doanh hàng hóa kém chất lượng. Thêm vào đó, các siêu thị hoạt động chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa chú trọng đến chính sách phát triển bền vững của siêu thị, đặc biệt là vấn đề nhân sự. Do đó đã xảy ra hàng loạt vấn đề như đã đề cập.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn giải quyết triệt để vấn đề này, các doanh nghiệp cần liên kết để sản xuất tốt hơn và cùng nhau làm thực phẩm sạch. Nguồn gốc của sản phẩm là tiêu chí rất quan trọng, do đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần trung thực trong việc cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm giúp người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm an toàn. Đặc biệt, hãy nói không với thực phẩm “bẩn”.

Có thể bạn quan tâm

  • Khi siêu thị không còn là “siêu nhân”

    Khi siêu thị không còn là “siêu nhân”

    11:20, 23/09/2022

  • Gian nan hàng Việt vào siêu thị

    Gian nan hàng Việt vào siêu thị

    12:00, 20/07/2022

  • Chống thực phẩm bẩn, vẫn còn… chồng chéo

    Chống thực phẩm bẩn, vẫn còn… chồng chéo

    04:00, 16/07/2021

  • Thực phẩm bẩn vẫn luẩn quẩn từ…

    Thực phẩm bẩn vẫn luẩn quẩn từ… "lỗ hổng" pháp lý

    04:40, 25/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Sản xuất dễ dãi, ăn cũng dễ dãi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO