Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Nhiều nước nghèo tham gia vào Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế.
>> EU ra sáng kiến “vặn sườn” BRI
Theo tính toán, gánh nặng nợ nước ngoài của các nước nghèo và đang phát triển đã tăng 12% lên mức kỷ lục 860 tỷ USD năm 2020. Trong đó, khoảng 60% số nước nói trên đang gặp rủi ro cao hoặc đã rơi vào áp lực nợ nần, so với mức chỉ 30% trong năm 2015, tức là tăng gấp đôi.
Để giúp các nước nghèo chống lại tình huống này, vào tháng 5/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã đưa ra Sáng kiến Trì hoãn Thanh toán Nợ (DSSI) dành cho những nước dễ bị tổn thương vì phải thanh toán nợ nước ngoài. Số nước được tham gia vào DSSI là 68 nước. Trong đó, vai trò của Trung Quốc là rất lớn. Tính đến hết năm 2020, tổng số dự nợ công với Trung Quốc của 68 nước DSSI tăng từ 105 tỷ USD năm 2019 lên 110 tỷ USD trong năm 2020.
Trung Quốc là nhà cho vay lớn nhất đối với 17 trong số 68 nước tham gia DSSI, với tỷ trọng lớn nhất ở Tonga (55% tổng nợ công nước ngoài), Djibouti (55%), Cambodia (44%), Cộng hòa Công-gô (42%), Cộng hoà Kyrgyz (40%). Và khoảng 26% thanh toán lãi vay của 68 nước DSSI trong năm 2022 trả cho Trung Quốc, tiếp theo sau là 17% trả cho các trái chủ, và 9% cho Hiệp hội các Ngân hàng Quốc tế thuộc WB (WB-IDA).
Đáng chú ý, tất cả những nước gặp rủi ro vay nợ đều là các thành viên của sáng kiến BRI. Trước BRI, các khoản cho vay và viện trợ nước ngoài của Mỹ và Trung Quốc là ngang nhau. Nhưng khi khởi xướng BRI, Trung quốc đầu tư 85 tỷ USD/năm vào các dự án ở nước ngoài, trong khi của Mỹ chỉ 37 tỷ USD.
Quan trọng hơn, hầu hết các khoản tài trợ của Trung Quốc cho các dự án BRI nói trên là các khoản cho vay mang tính thương mại, chứ không phải viện trợ. Do vậy, những khoản tài trợ của Trung Quốc thường đắt đỏ hơn từ phương Tây. Trung bình, các khoản cho vay của Trung Quốc có lãi suất lên tới 4,2%/năm và phải trả trong vòng dưới 10 năm, trong khi những khoản cho vay của Đức, Nhật Bản và Pháp thường có lãi suất chỉ là 1,1%, và thời gian trả nợ là 28 năm.
Ngoài các khoản nợ chính thức ra, còn loại nợ nữa gọi là “nợ bị che dấu” từ Trung Quốc. Đó là các khoản nợ không được công khai và Trung Quốc không báo cáo với Hệ thống Báo cáo Chủ nợ của WB như thông lệ quốc tế. Số nợ ẩn này ước tính vào khoảng 350 tỷ USD.
>> Tương lai mù mịt của BRI
IMF và WB cho biết có tới 35% dự án thuộc BRI đang gặp rắc rối như tham nhũng, vi phạm luật lao động, các vấn đề môi trường và biểu tình. Các chuyên gia cho rằng, nhiều nước đang phát triển ưa thích các khoản vay và dự án của Trung Quốc vì Bắc Kinh không áp đặt các điều kiện vay về ngân sách, tài chính; các đòi hỏi về môi trường và nhân đạo; hay đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ và sự minh bạch.
Các vụ tham nhũng liên quan đến các khoản vay cho các dự án BRI cho thấy rằng, các quan chức của các chính phủ đi vay một phần vì ảo tưởng vào các lợi ích từ các dự án này mà Trung Quốc vẽ ra cho họ; phần khác họ nhận được những khoản gọi là “quà” nhờ vai trò ký kết vay cho các dự án đó. Vì sự dễ dãi khi vay và động cơ tham nhũng, quy mô các khoản vay và dự án thường lớn vượt mức nhu cầu thực tế và khả năng trả nợ của đất nước.
Về mặt kinh tế, giả định những dự án đó có đem lại lợi ích thì khoảng thời gian mà các dự án cơ sở hạ tầng bắt đầu phát huy thường là rất dài. Trong khi đó, khoảng thời gian từ khi vay đến khi bắt đầu phải trả nợ cho Trung Quốc như đề cập ở trên lại rất ngắn. Thêm vào đó, bối cảnh thực tế thường không phải luôn thuận lợi cho việc thực hiện dự án và thu hồi lợi ích của chúng.
Về phía Trung Quốc với tư cách là nước tài trợ cho các dự án của BRI, người ta nhận thấy một số điểm đáng lo ngại trong tính toán và/hay động cơ cho các nước nghèo vay để thực hiện các dự án của BRI. Sau một thời kỳ phát triển nóng, Trung Quốc dư thừa hàng trăm triệu tấn sắt thép, xi măng. Đồng thời, khu vực doanh nghiệp nhà nước bị cho là làm ăn không hiệu quả, và nhiều trong số đó hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sắt thép và xi măng. Nói cách khác, BRI chính là con đường giải cứu các doanh nghiệp này và giải thoát đống dư thừa hàng hóa này. Đó là lý do giải thích tại sao các dự án của BRI chủ yếu là các dự án cơ sở hạ tầng có quy mô lớn và do doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc thực hiện.
Thực tế cho thấy, đến nay chưa có dự án của BRI nào đem lại lợi ích cho những nước thành viên, nhưng Trung Quốc đã tiêu thụ được một lượng lớn xi măng, sắt thép thừa, và đang góp phần giải cứu các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Tồi tệ hơn, một số nước không thể trả được nợ đã phải gán nợ bằng việc giao nộp tài sản quốc gia như bến cảng, mỏ khoáng sản, đập thủy điện… cho Trung Quốc. Bởi vậy, BRI đang bị cáo buộc là “cái bẫy nợ” nhằm đạt được những lợi ích về kinh tế và địa chính trị cho Trung Quốc.
Kỳ II: Nguy cơ khủng hoảng nợ
Có thể bạn quan tâm