Sắp có khuôn khổ quản lý cho vay ngang hàng

Diendandoanhnghiep.vn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao NHNN chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng về P2P, bao gồm khuôn khổ quản lý rủi ro, thanh tra, giám sát và trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan.

Chiều 6/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành liên quan để nghe Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) hiện nay.

Chiều 6/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành liên quan để nghe Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) hiện nay.

Bản chất của cho vay ngang hàng (P2P Lending) là mô hình kinh doanh mới, dịch vụ sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Theo đó, “Công ty P2P Lending” cung cấp nền tảng giao dịch trực tuyến (Platform) để người đi vay kết nối, trực tiếp vay mượn với người cho vay. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hoá.

Hiện nay, P2P Lending đã phát triển ở nhiều dạng thức khác nhau kể từ khi xuất hiện lần đầu ở Anh vào năm 2005. Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa có quy định quản lý riêng và cũng không cấm (trừ trường hợp được xác định là hoạt động ngân hàng) nên mô hình này xuất hiện cách đây khoảng 2 năm với 40 công ty đang hoạt động theo dạng thức truyền thống nêu trên.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Chí Quang cho biết nếu được quản lý tốt, P2P Lending sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các địa bàn mà hệ thống tài chính chưa phát triển, người dân, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính- ngân hàng với chi phí thấp, ít thủ tục.

Tuy nhiên, ở một số quốc gia, P2P Lending đã bị lợi dụng, biến tướng gây bất ổn tới an ninh kinh tế và xã hội. Thay vì làm trung gian kết nối thông tin, có công ty P2P Lending đã huy động tài chính đa cấp để lừa đảo, chiếm dụng vốn; huy động vốn để cho vay tràn lan, phát sinh nợ xấu, mất khả năng thanh toán và thực hiện chức năng thanh toán trung gian bất hợp pháp nhằm chiếm dụng vốn, lừa đảo...

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết những hệ luỵ này biểu hiện rõ nhất tại Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt quản lý P2P Lending thì các công ty chuyển địa bàn hoạt động sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Trong 40 công ty P2P Lending đang hoạt động ở nước ta thì có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số công ty từ Indonesia và Singapore. Ngân hàng Nhà nước cho biết một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính và Tư pháp đều nhận định pháp luật Việt Nam chưa quy định và cũng không cấm P2P Lending, đồng thời thống nhất phải có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý và đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan nhà nước cấp phép.

Ông Nguyễn Kim Anh đề nghị Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết để cho chủ trương thực hiện và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cho phép thí điểm thực hiện để tiến tới tổng kết, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý. "Trước mắt nên quản lý trong phạm vi P2P Lending kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) như phần lớn các công ty đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay, chưa mở rộng cho sự tham gia của các tổ chức tài chính và không cho phép các công ty P2P Lending được quyền huy động vốn để cho vay", ông Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công Nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định đây là xu hướng mới và sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai tại Việt Nam vì những lợi ích và tiện ích mang lại cho các bên liên quan. Các cơ quan này cũng cho rằng cần nhanh chóng tiếp cận và sớm quản lý các dạng thức của P2P Lending và đề nghị NHNN và các bộ nghiên cứu để cho phép cả các công ty tài chính cũng có thể tham gia mô hình này.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với kiến nghị của các bộ, ngành, cho rằng dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về phương thức hoạt động truyền thống của P2P Lending, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay, đồng thời xem xét việc mở rộng sự tham gia của các tổ chức tài chính.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh dự thảo Quyết định thể hiện rõ quan điểm Nhà nước nghiêm cấm và sẽ xử lý nghiêm các hành vi biến tướng của mô hình kinh doanh mới này, vi phạm pháp luật tại khoản 2, Điều 8 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010: “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.”.

“Một mặt nhanh chóng tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới nhưng phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đánh giá rõ hơn thực trạng hoạt động của 40 công ty P2P Lending ở Việt Nam và giao NHNN là cơ quan chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng, bao gồm các nội dung cơ bản của các khuôn khổ quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan.

Theo tổ chức nghiên cứu Transparency Market Research, quy mô, tốc độ tăng trưởng luỹ kế của P2P Lending dự kiến đạt 48,2% trong giai đoạn 2016- 2024. Trong khi đó, định chế tài chính Morgan Stanley nhận định mức tăng trưởng 53,5% trên toàn cầu vào năm 2020.
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Sắp có khuôn khổ quản lý cho vay ngang hàng tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711635835 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711635835 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10