Theo dự thảo Nghị định, các sở ngành được tổ chức thống nhất (tức là tổ chức cứng) gồm 9 sở ngành.
Việc sắp xếp, sáp nhập sở ngành, phòng ban sẽ xem xét đến các yếu tố đặc thù của từng địa phương để đưa ra khung hợp lý.
Đã phải tạm dừng
Trước đó, Bộ Nội vụ đã xây dựng 2 dự thảo liên quan đến việc sáp nhập sở, ngành để trình Chính phủ và báo cáo trình Bộ Chính trị cho ý kiến một số nội dung liên quan đến khung số lượng cơ quan chuyên môn, tiêu chí thành lập tổ chức, biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của một tổ chức hành chính ở địa phương.
Nhưng hiện vẫn chưa có phương án cuối cùng để chốt lại hướng sáp nhập các sở, ngành.
Bà Đào Thị Hồng Minh, Phó vụ trưởng, Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ cho biết: “Khi có Kết luận 34 của Bộ Chính trị, nhiều địa phương đã thực hiện sắp xếp các cơ quan chuyên môn”.
Cụ thể, vào tháng 6/2018, Lào Cai là tỉnh tiên phong công bố sáp nhập Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng.
Ba tháng sau, Hà Giang cũng tiến hành hợp nhất một số cơ quan thuộc chính quyền với cơ quan Đảng, sáp nhập Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ với Thanh tra tỉnh, Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh với Đảng bộ khối cơ quan tỉnh.
Đầu tháng 11/2018, Bạc Liêu sáp nhập nhiều sở, ngành, gồm: Sở Thông tin - Truyền thông với Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch; Sở Khoa học & Công nghệ với Sở Giáo dục & Đào tạo, đồng thời kết thúc hoạt động của Sở Ngoại vụ.
"Do có sự không thống nhất nên Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội Vụ có văn bản đề nghị các địa phương tạm dừng sáp nhập để chờ Chính phủ ban hành nghị định”, bà Minh giải thích.
Đầu tháng 12/2018, Bộ Nội vụ có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành) và cấp huyện (phòng, ban).
Có thể bạn quan tâm
04:04, 26/07/2019
00:40, 15/06/2019
14:36, 12/06/2019
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thông báo về việc tạm dừng sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện đã được Bộ gửi đến các tỉnh.
Văn bản này được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng để chờ sửa đổi 2 nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và huyện.
"Nếu mỗi tỉnh làm một kiểu thì rất khó nên phải chờ ý kiến thống nhất của Bộ Chính trị. Sau đó Chính phủ mới ban hành 2 nghị định thay thế nghị định 24 và 37", ông nói.
Giữ lại cứng 9 sở ngành
Thông tin thêm về việc này, bà Đào Thị Hồng Minh, Phó vụ trưởng Vụ tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ cho biết: Việc chậm ban hành nghị định về sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện vì đây là vấn đề nhạy cảm, còn nhiều ý kiến và dự thảo phải “sửa đi sửa lại” nhiều lần.
Đến nay, theo bà Minh, nghị định đã cơ bản hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành. Dự thảo đưa ra hướng, các sở được tổ chức thống nhất gồm 9 sở. Phương án này khác với dự thảo ban đầu khi quy định theo hướng chỉ giữ cứng 4 sở: Tư pháp; Tài nguyên & Môi trường; Lao động , Thương binh & Xã hội; Y tế. Còn lại hợp nhất, sáp nhập 17 sở, ngành; giảm 46 - 88 sở, ngành trong cả nước.
Một số sở được Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập như: Sở KH&ĐT và Tài chính gọi là Sở Tài chính - Kế hoạch; Sở GTVT với Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng; Sở NNPTNT với Công thương; Sở KHCN với GD&ĐT.
Theo đó, riêng ở 5 tỉnh thành trực thuộc Trung ương, những tỉnh có thể tự cân đối ngân sách và những tỉnh có diện tích trên 10.000 km2 và có dân số trên 2 triệu người thì địa phương có thể quyết định nhập hay không.
Rõ việc, giảm cồng kềnh
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chia sẻ, hiện nay việc này vẫn đang trong giai đoạn dự thảo nên chưa xác định cụ thể sáp nhập sở, ngành mà chỉ đưa ra một số vấn đề mang tính nguyên tắc, khung, còn các địa phương tự tính toán hợp lý.
Ông Thừa khẳng định, không phải Chính phủ không ban hành nghị định mới thay nghị định cũ mà để khoảng trống pháp lý. Hiện nay nghị định 24 và 37 vẫn đang có hiệu lực và guồng máy vẫn đang hoạt động. Mục tiêu nghị quyết của Đảng về bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả thì phải sửa.
“Làm sao bộ máy gọn nhẹ, tinh giản, có hiệu lực hiệu quả và phân cấp, phân quyền, chức năng rõ để bộ máy từ địa phương lên Chính phủ cho tốt”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Hướng sắp xếp các sở ngành, phòng ban là phân cấp mạnh cho địa phương, mỗi tỉnh có một thế mạnh, điều kiện khác nhau, lãnh đạo tỉnh sẽ nghiên cứu để sắp xếp bộ máy cho phù hợp.
“Chính phủ chỉ đạo cố gắng tạo ra cải cách mạnh, một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm là cải cách tổ chức bộ máy thì nghị định này quyết định rất nhiều. Chính phủ đang tập trung làm, theo kế hoạch sớm ban hành nghị định để các địa phương thực hiện”, ông Thừa cho biết.