Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Thương vụ đồn đoán về cuộc sáp nhập giữa hai sàn thương mại điện tử ở Việt Nam là Tiki và Sendo đang dần lộ rõ sau thông tin các cổ đông lớn đã đạt được thỏa thuận.
Tiki và Sendo nằm ở top 4 trong tốp các sàn thương mại điện tử Việt Nam. Cả 2 trang thương mại điện tử này đều được đánh giá là có tiềm năng trở thành kỳ lân công nghệ (start-up có định giá trên 1 tỷ USD) tiếp theo của Việt Nam sau VNG.
Đã đạt được thỏa thuận sáp nhập
DealStreetAsia, trang web chuyên về các thương vụ mua bán và sáp nhập ở châu Á, cho biết các nguồn tin của họ khẳng định các cổ đông lớn như JD.com của Tiki hay SoftBank Ventures Asia của Sendo đã thống nhất với nhau.
Tại Việt Nam, nhân sự của hai sàn này đang làm việc với các cơ quan chức năng về các thủ tục sáp nhập.
Hồi tháng 2, trong một báo cáo về các công ty thương mại điện tử ở Việt Nam, DealStreetAsia cũng đã đề cập đến các cuộc dạm hỏi nhằm về chung một nhà của Tiki và Sendo.
Tiki là doanh nghiệp kinh doanh trong ngành thương mại điện tử, được thành lập năm 2010, khởi điểm ban đầu chủ yếu kinh doanh sách trực tuyến. Sau đó, Tiki mở rộng thành nhà bán lẻ trực tuyến với nhiều ngành hàng. Hiện, đơn vị này hoạt động theo hai mô hình: doanh nghiệp kinh doanh (B2C) và doanh nghiệp khách hàng (C2C). Tiki đang phục vụ hơn 300.000 người bán và 10 triệu người mua. Hệ sinh thái kinh doanh bao gồm các thành viên như đơn vị bán lẻ Tiki Trading và Sàn giao dịch cung cấp 10 triệu sản phẩm, dịch vụ vé Ticketbox và TikiNOW Smart Logistics cung cấp dịch vụ đầu cuối.
Còn Sendo xuất thân là một dự án Thương mại Điện tử do Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) phát triển. Vào tháng 9/2012, Sendo.vn ra mắt người tiêu dùng. Đến ngày 13/5/2014, Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ được thành lập, trực thuộc Tập đoàn FPT, là đơn vị chủ quản Siêu Chợ Sen Đỏ. Sendo vừa nhận khoản đầu tư 61 triệu USD từ năm ngoái. Sau vòng rót vốn series C, nhà đầu tư trong nước nắm gần 37% Sendo và 13 cổ đông ngoại nắm hơn 63% cổ phần.
Việc sáp nhập hai sàn trong top 4 này được cho là nhằm để giải quyết một số vấn đề.
Cụ thể, SenMall của Sendo hiện vẫn chưa được đánh giá cao, tuy nhiên lại có số lượng truy cập rất cao, trong khi đó TikiNow lại rất được đánh giá cao, nhất là hệ thống logistics, giao hàng nhanh chóng, vì thế sẽ giải quyết được bài toán này.
Nếu hai doanh nghiệp Sendo và Tiki sáp nhập, có thể là hy vọng cho nền thương mại điện tử trong nước. Tiki có lợi thế phục vụ cho người tiêu dùng sống ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, Sendo phổ biến hơn đối với người dùng ở khu vực ngoại ô và nông thôn của Việt Nam.
Mặc dù vẫn còn chưa rõ về những thông tin chi tiết về thương vụ sáp nhập và cấu trúc thỏa thuận, nhưng có thể hiểu rằng hai thương hiệu này sẽ được giữ lại dưới sự kiểm soát của 1 công ty holding.
Giới quan sát ngành thương mại điện tử cho rằng trong thương vụ sáp nhập này, Tiki và Sendo có thể không nhập hai hoạt động làm một, vì hai công ty có mô hình kinh doanh và tệp khách hàng khác nhau. Việc sáp nhập có thể là mối đe doạ đáng kể cho các đối thủ trong khu vực như Lazada hay Shopee.
Phép cộng dễ khiến cả hai...đi lùi?
Bán hàng online từng được ví là một “cuộc chơi đốt tiền” của các “đại gia” khi mà biên lợi nhuận thấp và các chi phí liên quan đến bán hàng, logistics, khuyến mãi thu hút người dùng... lại rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đang phải gánh khoản lỗ lớn, thậm chí một số đã phải rút lui, đơn cư như trang thương mại điện tử Adayroi hay gần hơn là trang thương mại điện tử dành cho thời trang cao cấp LeFlair.
"Chúng tôi ước tính một doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam", báo cáo của VNDirect nhấn mạnh.
Có thể thấy, động thái sáp nhập của Tiki và Sendo hoàn toàn dễ hiểu giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên trường thương mại điện tử, với đối thủ cực kỳ mạnh hiện nay là Lazada được hậu thuẫn bởi "ông lớn" Alibaba và Shopee dưới trướng SEA.
Theo DealStreetAsia, các trang thương mại điện tử tại Việt Nam trụ lại được chỉ nhờ vào tiềm lực tài chính mạnh. Các doanh nghiệp đang gồng khoản lỗ rất lớn và được dự đoán sẽ tiếp tục lỗ thêm để duy trì vị trí của mình. Nếu không đủ tiền để "đốt", người nào bỏ cuộc, người đó trắng tay.
Khi mà, việc trường vốn là yếu tố sống còn của các trang thương mại điện tử, trong lúc tất cả đều liên tục báo lỗ và dự báo còn lỗ nhiều hơn nữa những năm tiếp theo.
Thực tế, với số vốn đầu tư khủng, Tiki và Sendo vẫn tiếp tục thua lỗ. Tính đến cuối năm 2018, lỗ lũy kế của Tiki là gần 1.400 tỷ đồng còn Sendo lỗ gần 1.300 tỷ.
Trong khi lỗ luỹ kế của Shopee đã vượt mốc 2.000 tỷ đồng. Riêng Lazada, tính đến 31/3/2019, lỗ của đơn vị này đã lên đến 7.111 tỷ đồng. Mặc dù vậy, hai đơn vị này có lợi thế cực kỳ mạnh về vốn từ mẹ là Alibaba và SEA. Chỉ trong năm 2019, Shopee đã được SEA rót thêm gần 2.500 tỷ đồng.
Về phía Tiki và Sendo cũng liên tục gọi vốn để tiếp tục duy trì. Cuối tháng 11/2019, Sendo công bố đã huy động được thêm 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C. Sau vòng gọi vốn này, nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 61,1% vốn điều lệ của Sendo. FPT hiện vẫn là cổ đông lớn nhất bên cạnh các cổ đông lớn nước ngoài gồm SBI, Beenext, Econtext Asia, Daiwa… Tiki cũng có 2 lần tăng vốn trong năm 2019 vào tháng 6 và tháng 12 hiện 2 cổ đông chính hiện vẫn là VNG (24,6%) và JD.com (21,9%).
Trong khi phải liên tục gọi vốn để phát triển thì 2 sàn điện tử này lại tiếp tục gặp khó khăn với nguồn vốn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), tác động của dịch bệnh COVID-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại tới 3.000 tỷ USD khiến việc gọi vốn cho các doanh nghiệp công nghệ càng khó hơn.
Hiện, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bị áp đảo bởi Shopee với 1 triệu đơn hàng giao mỗi ngày trong năm 2019 và Lazada là 700.000 đơn; Sendo.vn, Tiki.vn dao động ở mức 500.000 - 600.000 đơn/ngày.
Theo báo cáo về kinh tế số Đông Nam Á 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cú "bắt tay" này thành hiện thực sẽ tạo ra một công ty mới có tiềm lực mạnh mẽ, đủ sức đấu với 2 đối thủ còn lại.
Đồng thời, cả Tiki và Sendo đều bớt đi được một đối thủ mạnh, giảm được lượng lớn chi phí vận hành, liên thông về công nghệ, mở rộng khách hàng...
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) nhận định, "giả sử 2 doanh nghiệp này sáp nhập thì sẽ tạo ra một doanh nghiệp thương mại điện tử nội đủ năng lực, tầm vóc để cạnh tranh đường dài với doanh nghiệp ngoại. Như vậy, đây là một hướng đi tốt của các doanh nghiệp nội ngành thương mại điện tử. Từ đó, Việt Nam mới làm chủ được những ngành công nghiệp tương lai như thương mại điện tử".
Tuy nhiên, trường hợp sáp nhật này là khó có thể xảy ra bởi tính riêng phương thức kinh doanh, đội ngũ của 2 doanh nghiệp lớn này, việc sáp nhập không phải dễ dàng. Có chăng, có thể là một doanh nghiệp lớn nào đó đứng ra đưa 2 "ông lớn" này về chung một nhà. Còn nếu thực sự xảy ra thì hai doanh nghiệp có thể bổ trợ để tăng sức cạnh tranh cho nhau.
Đồng quan điểm việc sáp nhập là khó có thể xảy ra, ông Nguyễn Việt Hùng - KOL trong cộng đồng startup công nghệ cho rằng, việc Tiki và Sendo kết hợp với nhau chỉ là màn "song kiếm hợp bích" nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường chứ không phải là cuộc "khắc nhập" M&A để tạo nên một gã khổng lồ mới bởi mô hình của hai trong 4 "ông lớn" của ngành thương mại điện tử này, cơ bản khác nhau.
Nếu M&A xảy ra, 4 ông lớn giờ chỉ còn là cuộc cạnh tranh của 3, vì thế khắc nghiệt hơn. Cuộc đua càng khắc nghiệt thì người tiêu dùng lại chờ đợi xem mình sẽ được hưởng lợi gì, nhưng cũng có vài băn khoăn vì họ có những trải nghiệm xung đột khác nhau trong quá khứ.
Nói cách khác, nếu như hiện nay, trước khi quyết định mua hàng, người tiêu dùng có xu hướng so sánh giá cả cũng như dịch vụ của tất cả các nhà cung cấp tại các sàn thương mại điện tử cụ thể là tại Shopee, Lazada, Sendo, Tiki...cơ hội sẽ chia đều cho tất cả.
Thế nhưng, sau khi sáp nhập, một mình công ty mới sẽ phải chịu sức áp cạnh tranh với 2 "ông lớn" còn lại. Do đó, kỳ vọng việc giảm chi phí, tăng doanh thu khi về cùng một nhà của Tiki và Sendo rất có thể sẽ mang lại tác dụng ngược lại.
Thực tế, khách hàng luôn là người được hưởng lợi từ những cuộc cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi muốn chiến thắng, doanh nghiệp sẽ phải nâng cao khả năng cạnh tranh bằng cách tạo nên lợi thế riêng của mình, cụ thể là tạo dựng được lợi ích cho người tiêu dùng cuối.
Năm 2020, theo các chuyên gia trong ngành, thương mại điện tử tiếp tục khốc liệt. Sức mạnh tương tác của mạng xã hội tác động không nhỏ tới chiến lược của các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm mới được các sàn thương mại điện tử hướng tới. Điển hình là chiến lược Mua sắm kết hợp giải trí trên ứng dụng di động mang đến những trải nghiệm mua sắm thú vị cho người dùng.
Đồng thời, các đơn vị này cũng đưa ra hàng loạt sáng kiến về logistics giúp người dùng mua sắm chủ động và thuận tiện hơn ngoài phương thức nhận hàng tại nhà hay văn phòng bình thường như Điểm nhận hàng, Tủ khóa thông minh.
Tiki và Sendo sẽ sáp nhập như thế nào, câu trả lời còn ở phía trước. Nhưng để điều này thành hiện thực thì điều kiện cần vẫn phải là huy động được thêm vốn để có thể tiếp tục gia tăng vị thế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Bởi phát triển website TMĐT ở Việt Nam không phải là cuộc chơi của mọi người. Xây dựng chỉ là bước đệm, có duy trì được hay không lại là cuộc chơi của những kẻ chạy bền.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 16/03/2020
11:00, 11/02/2020
01:23, 30/01/2020
13:00, 19/12/2019
14:30, 27/11/2019
10:40, 21/11/2019