Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp thu và bỏ quy định hạn mức giao dịch ví điện tử 20 triệu đồng/ngày, giữ hạn mức 100 triệu đồng/tháng.
Thông tin này được ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định tại buổi thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm diễn ra mới đây.
Ông Dũng cho biết sau khi dự thảo quy định liên quan đến ví điện tử được đưa ra lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp thu và bỏ quy định hạn mức giao dịch ví điện tử 20 triệu đồng/ngày, giữ hạn mức 100 triệu đồng/tháng.
Riêng đối với quy định yêu cầu khách hàng xác thực thông tin cá nhân, do thực tế đã xảy ra một số vụ việc nhưng không xác định được người dùng số điện thoại đó là ai nên cần phải đăng ký thông tin với nhiều hình thức xác thực khác nhau.
Như vậy, chỉ chưa đầy một tuần sau góp ý của VCCI về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN rằng “hạn mức thanh toán 20 triệu đồng/ngày cho ví điện tử của cá nhân là không phù hợp thực tế bởi nhiều mặt hàng điện tử và dịch vụ du lịch hiện đã có giá bán vượt quá con số này”, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định sẽ bãi bỏ hạn mức giao dịch hàng ngày/cá nhân và chỉ quy định 100 triệu đồng/cá nhân/tháng.
Hiện thống kê của NHNN cho thấy, giá trị thanh toán qua mỗi ví điện tử mới là 58.000 đồng/ngày, tức mỗi tháng chỉ khoảng 1,74 triệu đồng. Thông tin được đưa ra tại hội nghị về tiền điện tử trên thuê bao di động hôm 23/5 vừa qua cũng cho thấy hạn mức bình quân cho mỗi ví điện tử của cá nhân trên toàn cầu chỉ là 206 USD/tháng, tức khoảng 5 triệu đồng.
“Như vậy so với quốc tế thì hạn mức 100 triệu đồng/tháng/cá nhân của Việt Nam là không hề thấp”, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) khẳng định.
Trước đó, trong văn bản trả lời Công văn số 2713/NHNN-TT ngày 16/04/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, VCCI khẳng định, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp trung gian thanh toán, quy định này sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và không phù hợp với nhu cầu sử dụng ví điện tử của khách hàng, đặc biệt là hạn mức theo ngày.
Nhiều loại hàng hoá, dịch vụ hiện nay như đồ điện tử gia dụng, điện thoại di động, máy vi tính, vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tour du lịch… có mức chi trả vượt quá hạn mức 20 triệu đồng. Còn với các doanh nghiệp thì các hoạt động chi trả tiền thưởng, phụ cấp cho nhân viên, hỗ trợ cho đại lý bán lẻ trong các đợt khuyến mãi… có thể vượt quá hạn mức 100 triệu đồng/ngày. Việc đặt ra hạn mức sẽ khiến khách hàng buộc phải duy trì hai hay nhiều tài khoản thanh toán cùng một lúc. Điều này gây tốn kém chi phí xã hội rất lớn và không phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế số.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 05/06/2019
06:06, 13/05/2019
04:40, 23/04/2019
Cơ quan soạn thảo lý giải quy định này nhằm “giảm thiểu rủi ro về lợi dụng Ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ Ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ”.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng các giải trình này không nêu rõ thực tiễn thời gian qua đã có trường hợp nào thực hiện hành vi rửa tiền, hoạt động bất hợp pháp qua Ví điện tử với giá trị giao dịch lớn, vượt hạn mức được nêu trong dự thảo.
Ví dụ, theo thông tin từ các cơ quan tố tụng của Việt Nam, trong 20 năm qua mới chỉ có 2 vụ án rửa tiền được ghi nhận và chưa rõ mối quan hệ của các vụ việc này với các giao dịch vượt quá hạn mức qua Ví điện tử. Hơn nữa, giải trình này cũng không rõ vì sao lại đưa ra chủ trương chính sách là “mục đích sử dụng dịch vụ Ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ”.
Việc xác định hạn mức thanh toán nên để khách hàng tự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mỗi cá nhân, tổ chức.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng, khi khách hàng đăng ký dịch vụ các đơn vị cung cấp ví điện tử sẽ để mặc định hạn mức chi trả tương ứng với quy định của dự thảo và cho phép khách hàng được điều chỉnh theo nhu cầu.