Nhiều ý kiến lo ngại có thể xảy ra tình trạng thiếu cạnh tranh sòng phẳng, gây lũng đoạn thị trường nếu doanh nghiệp được tự quyết giá xăng dầu.
>>Đề xuất thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán
Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế các nghị định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, gồm Nghị định 83 năm 2014, Nghị định 95 năm 2021 và Nghị định 80 năm 2023.
Theo đó, tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đã nêu các đề xuất sửa đổi đáng chú ý trong lần xây dựng nghị định mới này. Đó là đề xuất các doanh nghiệp đầu mối có thể được tự quyết giá bán xăng dầu, nhà nước chỉ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày.
Nhằm giảm sự can thiệp của nhà nước vào việc quyết định giá bán của doanh nghiệp, dự thảo mới sẽ tiếp cận theo hướng nhà nước chỉ công bố giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định như tỉ giá ngoại tệ, tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế... Doanh nghiệp đầu mối sẽ tự công bố giá bán tối đa dựa trên công thức giá do nhà nước quy định. Giá bán của doanh nghiệp không được cao hơn giá tối đa theo công thức quy định.
Theo lý giải từ Bộ Công Thương, để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán sẽ giúp cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị phần. Đặc biệt, cơ quan soạn thảo cho rằng, doanh nghiệp được phép bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức tính giá, qua đó loại bỏ được việc áp dụng giá bán xăng dầu vùng 2 của doanh nghiệp.
Trương trường hợp tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của DN tăng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Việc điều chỉnh giá sẽ thực hiện theo kỳ 15 ngày/lần.
Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam cũng đồng tình với việc khi sửa nghị định về kinh doanh xăng dầu cần giao quyền quyết định giá cho doanh nghiệp. Điều này mới khiến thị trường xăng dầu cạnh tranh đúng nghĩa.
"Do vậy, việc đưa mặt hàng xăng dầu tiến tới thị trường càng sớm càng tốt, nhưng phải hội tụ đầy đủ các yếu tố về tự do nhập khẩu, tự do phân phối", ông Phương cho hay.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cũng đồng tình với phương án này. Ông cho rằng, điều này phù hợp trong bối cảnh giá xăng dầu có nhiều biến động phức tạp, các phát sinh chi phí chỉ được tính vào giá bán xăng dầu 3 tháng hoặc 6 tháng 1 lần, khiến doanh nghiệp chịu thiệt.
Bởi công thức tính giá bình quân gia quyền của các doanh nghiệp xăng dầu vô hình trung khiến một số doanh nghiệp lợi lớn, nhưng cũng khiến số doanh nghiệp khác chịu lỗ. Do vậy, nếu để doanh nghiệp tự tính giá bán lẻ, với công thức tính giá của cơ quan quản lý, doanh nghiệp có thể căn cứ trên các chi phí của mình để đưa giá ra bán lẻ.
Trong khi đó, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Âu Hải Phát (Lâm Đồng) cho rằng, việc quy định các thương nhân phân phối không được lấy hàng của nhau như dự thảo cần xem xét ở nhiều khía cạnh. Việc dự thảo trao quyền định giá cho đầu mối là cao hơn so với các quy định của Nghị định 83, Nghị định 95 và Nghị định 80.
Nhưng nếu cho đầu mối được quyền quyết định giá mà không có các quy định ràng buộc về phân chi phí ở các khâu, chắc chắn doanh nghiệp bán lẻ luôn bị chèn ép. Chưa kể, thương nhân phân phối sẽ và bán lẻ sẽ rơi vào tình trạng cụt nguồn hàng nếu các đầu mối không thực hiện việc nhập khẩu theo quy định. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi nhìn vào bài học của năm 2022, hàng loạt đầu mối không nhập hàng khiến thị trường rối loạn, đứt gãy nguồn cung.
Cũng theo đại diện một số doanh nghiệp bán lẻ, dự thảo nghị định mới còn nhiều lỗ hổng cần được hoàn thiện. Ông Nguyễn Hùng Việt, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Nguyễn Hùng Việt cho rằng, dự thảo nghị định mới chưa tháo gỡ được tận gốc vấn đề của thị trường. Điều cốt lõi là phải phân định rõ các khâu nhập khẩu, phân phối, bán lẻ.
Đồng quan điểm, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đồng Nai cho rằng, dự thảo mới đang trao cho các đầu mối quá nhiều quyền lợi trong khi cấm các thương nhân phân phối không mua của nhau là vô lý.
>>Cơ quan thuế sẽ làm việc với từng cửa hàng xăng dầu
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tuổi trẻ, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, đề xuất hướng đến cơ chế tự quyết định giá của doanh nghiệp là bước đi mới, hướng đến sự thay đổi mạnh mẽ về mặt quản lý, điều hành giá. Tuy nhiên, cần xem xét thấu đáo khi trao quyền quyết định giá bán xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, tại dự thảo, nhà nước vẫn quy định trong cơ cấu tính giá những yếu tố phần "cứng", còn phần "mềm" như chi phí kinh doanh là doanh nghiệp quyết định, tính toán". Theo chuyên gia này, phần "cứng" thì đã có quy định, còn phần "mềm" khi trao quyền cho doanh nghiệp thì phải có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng đẩy giá.
Mặt khác, theo PGS.TS Ngô Trí Long, hiện có một số "ông lớn" xăng dầu giữ vị thế thống lĩnh thị trường, nếu để cho các doanh nghiệp được quyết định giá bán, liệu có tạo ra "luật chơi" hay không và có bảo đảm yếu tố thị trường hay không. Đồng thời chuyên gia này lo ngại, nếu để doanh nghiệp đầu mối giữ vị thế thống lĩnh thị trường quyết định giá thì sẽ có nhiều vấn đề xảy ra.
PGS.TS Ngô Trí Long cũng đặt vấn đề để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá xăng dầu đã phù hợp với Luật Giá hiện hành hay chưa. Điều này, theo ông, cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, dự thảo nêu nhà nước công bố giá thế giới bình quân 15 ngày đã phù hợp hay chưa, khi thời gian qua chúng ta rút ngắn thời gian điều hành giá từ 30 ngày còn 15 ngày, 10 ngày và gần nhất về 7 ngày, để sát với giá thế giới nhất.
Có thể bạn quan tâm
16:15, 29/03/2024
11:00, 25/03/2024
04:00, 24/03/2024
20:37, 18/03/2024
01:00, 11/03/2024
11:56, 07/03/2024