Các ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay bất động sản

Phương Hà 04/05/2018 11:02

Một số chuyên gia cho rằng, các ngân hàng tăng lãi suất cho vay bất động sản (BĐS) là cần thiết bởi thị trường BĐS luôn tiềm ẩn nguy cơ bong bóng.

Ngân hàng ưu tiên vốn cho lĩnh vực sản xuất

Ngân hàng ưu tiên vốn cho lĩnh vực sản xuất

Tăng lãi suất cho vay BĐS

Từ ngày 2/5, Eximbank bắt đầu áp dụng biểu lãi suất cho vay mới đối với các khoản vay mua nhà, đất tăng thêm 1%/năm so với trước, lên mức 11%/năm. Như vậy, lãi suất cho vay hiện nay đã tăng từ 0,7 - 0,9%/năm. Trường hợp vay dài hạn, lãi suất thời điểm giải ngân lên đến 12,5%/năm. So với trước, lãi suất cho vay mua, xây, sửa nhà tại các ngân hàng cổ phần đã tăng khoảng 2%/năm. 

Hiện các ngân hàng cũng không triển khai gói tín dụng ưu đãi nào cho lĩnh vực BĐS hoặc khách hàng cá nhân vay mua nhà. 

Theo khảo sát của Hiệp hội BĐS TP.HCM, thời điểm hiện tại, giá đất ở khu vực TP.HCM đang bị "thổi" và tăng cao bất thường so với giá trị thực, nên các ngân hàng chỉ định giá bằng 50% giá thị trường. Thậm chí, một số ngân hàng thẩm định xong và chỉ cho vay 30%-40% giá trị nhà đất, chứ không phải cho vay 70%-80% giá trị tài sản thế chấp như các lĩnh vực khác.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng tăng lãi suất để hạn chế nhu cầu vay vốn đầu tư trong lĩnh vực bất động sản là cần thiết, vì nguy cơ bong bóng dễ xảy ra. 

Bên cạnh tăng lãi suất, một số ngân hàng còn đưa ra quy định khá nghiêm ngặt đối với cho vay lĩnh vực BĐS. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, cho biết, ACB không chủ trương đẩy mạnh cho vay lĩnh vực BĐS, tỷ lệ cho vay lĩnh vực này của ACB hiện nay chỉ chiếm dưới 10% tổng dư nợ cho vay.

Khách hàng vay mua nhà ở, mua căn nhà đầu tiên hoặc thứ hai, có nguồn thu nhập trả nợ là tiền lương, tiền công là đối tượng chính. “Chúng tôi gần như không cho cá nhân, doanh nghiệp vay đầu cơ, vay mua gom các tầng chung cư...”, ông Toàn cho biết.

Tín dụng ưu tiên cho sản xuất

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy trong quý I/2018, tín dụng trung - dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại. Trong khi tín dụng ngắn hạn chỉ tăng 2,6% thì tín dụng trung - dài hạn đã tăng tới 4,3% và hiện chiếm tới 53,2% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Theo các ngân hàng, bên cạnh cho vay mua nhà, đất thì cho vay để xây, sửa nhà trọ, phòng trọ hiện cũng phải tính vào tín dụng BĐS. Ngoài ra, các khoản cho vay mua ôtô… đều được tính vào tín dụng trung - dài hạn theo quy định của NHNN. Chưa kể từ đầu năm 2018, tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung - dài hạn giảm còn 45% và đến đầu năm 2019 sẽ giảm về 40% theo quy định, nên các ngân hàng phải cân nhắc.

Ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2018 dự kiến tăng 17% so với năm 2017 và tín dụng sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất cũng như 5 lĩnh vực ưu tiên. Chính vì vậy ngay từ đầu năm, NHNN lưu ý các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực rủi ro cao như BOT, chứng khoán, bất động sản, cho vay tiêu dùng…, chứ không phải hạn chế tín dụng, nhằm đảm bảo hiệu quả thu hồi dòng vốn, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Trước đó, NHNN đã có công văn yêu cầu các ngân hàng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Đồng thời, hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO