Nghiên cứu - Trao đổi

Siết chặt quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng

Yến Nhung 07/01/2025 11:40

Cần tăng cường các giải pháp cần thiết nhằm quản lý tổng thể, toàn diện, chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo các sản phẩm về thuốc và thực phẩm chức năng.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, việc quản lý, kiểm soát mua bán, giám sát chất lượng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ qua mạng rất khó khăn do hình thức kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đa cấp trên môi trường mạng diễn ra sôi động và phức tạp.

mxh1.jpg
Tại Việt Nam, việc quản lý, kiểm soát mua bán, giám sát chất lượng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ qua mạng rất khó khăn - Ảnh MH: ITN

Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là “trá hình” thực phẩm chức năng.

Cụ thể, đó là hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng như "thần dược", quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo không đúng với nội dung đã được xác nhận; sử dụng hình ảnh, tên tuổi của bác sĩ, dược sĩ hoặc các cơ sở y tế để tạo niềm tin giả tạo, gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, các sản phẩm được rao bán trên các sàn thương mại điện tử, website hoặc ứng dụng nhiều khi không được cấp giấy phép lưu hành, hoặc chưa hoàn tất việc đăng ký công bố theo quy định. Thực trạng này không chỉ làm rối loạn thị trường mà còn gây tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe cộng đồng.

Theo Luật sư Nguyễn Khánh Din, Công ty Luật TNHH ZNA Đoàn Luật sư Hà Nội, Chuyên gia về luật bảo vệ người tiêu dùng, việc quảng cáo sai sự thật, đặc biệt là việc sử dụng người đóng giả bệnh nhân hoặc bác sĩ để quảng cáo sản phẩm, là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam, vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

“Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng trong ngành thực phẩm chức năng," Luật sư Din nhấn mạnh.

Để khắc phục thực tế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, thời gian tới sẽ sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm sửa đổi, sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm theo hướng thống nhất giữa các quy định pháp luật, tháo gỡ những khó khăn bất cập trong quản lý, đáp ứng thực tiễn. Đồng thời, sửa đổi Luật Quảng cáo để khắc phục các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng.

29868746-c07d-4f68-b4c2-558b25a73222.jpg
Cần hoàn thiện quy định để quản lý chặt chẽ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng - Ảnh MH: ITN

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng, đặc biệt là trên mạng xã hội. Các trường hợp vi phạm sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để đảm bảo tính răn đe. Ngoài ra, các quy định về xử phạt hành chính cũng sẽ được bổ sung để nâng mức tiền phạt, phù hợp với tình hình thực tế.

“Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và xử lý vi phạm. Rà soát, hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm theo quy định hiện hành. Đồng thời tăng cường tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng tuân thủ đúng quy định của pháp luật; nâng cao hiểu biết của người dân để hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm chức năng, chỉ mua khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói.

Nhấn mạnh quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đang xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông và cũng là vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, cho ý kiến về sửa đổi Luật Quảng cáo, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để hoàn thiện các quy định điều chỉnh đối với quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng tại Dự thảo Luật, qua đó bảo đảm sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo này.

“Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo phải có quy định để kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng. Các cơ quan cần phối hợp để liệt kê đầy đủ, chi tiết các thủ tục, giấy phép đã được lược bỏ khi sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo hiện hành; tiếp tục rà soát để bảo đảm loại bỏ giấy phép, thủ tục phát sinh mới”, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Siết chặt quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO