Đề xuất yêu cầu các công ty tài chính giải ngân trực tiếp cho khách hàng không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận và quy mô thị trường của các công ty tài chính.
Trong dự thảo thông tư sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất giới hạn không cho các công ty tài chính giải ngân trực tiếp cho khách hàng, hay còn gọi là cho vay tiền mặt, vượt quá 30% tổng số tiền cho vay. Thêm nữa, các công ty này cũng chỉ được cho vay tiền mặt đối với các khách hàng đã và đang vay tại công ty đó và được đánh giá là có lịch sử trả nợ tốt và không có nợ xấu.
Siết chặt... hạn chế rủi ro
Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, việc cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, nên cần hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt.
Nhìn lại quá khứ, hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam đã trải qua một giai đoạn khó khăn với bóng ma nợ xấu. Hệ quả là nhiều ngân hàng buộc phải tái cơ cấu, thậm chí sáp nhập với ngân hàng khác. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng tăng cao, buộc Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn 2009-2012 yêu cầu các ngân hàng hạn chế cho vay tiêu dùng. Trong khi các ngân hàng tỏ ra thận trọng hơn với các khoản vay tiêu dùng, khoảng 5 năm trở lại đây, sự trỗi dậy của các công ty tài chính tiêu dùng đã thổi một làn gió mới vào thị trường tín dụng tiêu dùng.
Ông Trần Hoàng Ngân, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính – Marketing TPHCM đưa ra dự báo, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ vượt qua con số 10% GDP vào năm 2020. Tuy nhiên, đặc thù của cho vay tiêu dùng chính là rủi ro cao, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu ở các công ty tài chính tiêu dùng cũng khá cao. Như FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất thị trường hiện tại, có mức nợ xấu lên tới hơn 5%.
Hoạt động cho vay trả góp trên thị trường đang dần trở nên bão hòa. Do đó, các Cty tài chính mới ra đời muốn có thị phần cho vay tiêu dùng, buộc phải đẩy mạnh cho vay tiền mặt
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia như ông Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng đề xuất kiểm soát giải ngân tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước là rất cần thiết để hướng đến chất lượng tín dụng và hình thành khuôn khổ kiểm soát rủi ro cho công ty tài chính.
Lợi nhuận giảm?
Sự bùng nổ của thị trường tài chính tiêu dùng đã kích thích nhiều ngân hàng cùng nhảy vào thị trường này. Sau VPBank, HDBank và MB có sở hữu công ty tài chính, các ngân hàng khác như SHB, LienVietPostBank và SEABank cũng đã mua lại các công ty tài chính tiêu dùng để gia tăng thị phần. Việc giải ngân bằng tiền mặt tại các công ty tài chính đang là vũ khí cạnh tranh lợi hại của các công ty này. Vì vậy, nếu như quy định trên được áp dụng, lợi nhuận của các công ty tài chính sẽ bị suy giảm là điều có thể thấy trước.
“Nếu thông tư dự thảo được phê duyệt, chúng tôi tin rằng các công ty tài chính tiêu dùng có tỷ lệ cho vay tiền mặt cao như FE Credit hoặc MCredit, cũng như nhiều công ty tài chính tiêu dùng mới gia nhập ngành sẽ bị ảnh hưởng mạnh cao nhất,” Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận xét trong một báo cáo đầu tháng này.
Thực tế đã chứng minh doanh thu và lợi nhuận của FE Credit đã giảm trong năm 2018, một phần nguyên nhân được chính lãnh đạo công ty này giải thích là do tái cấu trúc các khoản vay và hạn chế giải ngân tiền mặt cho khách hàng.
Chuyên gia tài chính- ngân hàng Nguyễn Thị Mùi cho rằng hoạt động cho vay trả góp trên thị trường đang dần trở nên bão hòa với sự góp mặt một số công ty chiếm giữ thị phần rất lớn, như Home Credit, FE Credit và HD Saigon. Do đó, các công ty tài chính mới ra đời muốn có thị phần cho vay tiêu dùng, buộc phải đẩy mạnh cho vay tiền mặt.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 27/03/2019
10:35, 05/03/2019
11:01, 31/05/2018
14:37, 25/11/2017
Trong khi đó, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Chí Hiếu cho rằng quy định trên sẽ hạn chế rủi ro của các công ty tài chính, nhưng lại hạn chế đáng kể nguồn khách của các công ty tài chính. Theo ông Hiếu, nhu cầu vay tiền mặt của người dân là có thật và nhu cầu đó ngày càng tăng cao.
“Một người đến vay công ty tài chính, dù họ vay để chi trả tiền bệnh phí, tiền đi du lịch hay là chuyển tiền cho con đi học, mua một cái xe máy, điện thoại… thì trong bất cứ trường hợp nào, các công ty tài chính cũng đã xét đến chuyện người đó có khả năng trả nợ hay không” - ông Hiếu nói.
“Khi công ty tài chính thỏa mãn các yêu cầu đó và thấy rằng người này không có nợ xấu, có khả năng trả nợ thì tại sao phải khống chế toàn bộ dư nợ, tín dụng của mình không thể quá 30% cho giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.