Sau nhiều năm đồn đoán, một “quái vật khổng lồ” trong lĩnh vực hóa chất đã được sinh ra từ cuộc sáp nhập của Sinochem và ChemChina, hai tập đoàn hóa chất thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc.
Mới đây, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc(SASAC), đã thông qua việc sáp nhập Tập đoàn Sinochem và Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (ChemChina).
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc và hai công ty quốc doanh sẽ thực hiện tái cấu trúc, theo đó Sinochem và ChemChina sẽ trở thành công ty con của “siêu doanh nghiệp” mới, được thành lập và sở hữu toàn bộ bởi SASAC thay mặt cho Hội đồng Nhà nước. Công ty mẹ mới vẫn chưa được đặt tên và thời gian biểu cho việc tái cấu trúc cũng chưa được đưa ra.
Giới lãnh đạo của Sinochem cho biết việc tái cơ cấu chung sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để “xây dựng một công ty hóa chất đẳng cấp thế giới và thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của ngành công nghiệp hóa chất ở Trung Quốc”.
Họ cho rằng ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu đang ở trạng thái tập trung cao độ và bị chi phối bởi các doanh nghiệp lớn. Một số công ty hóa chất khổng lồ toàn cầu đã tiến hành hợp nhất để tạo ra các công ty hóa chất quy mô lớn đóng vai trò hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển hóa chất và đổi mới sản phẩm. Do đó, việc sáp nhập sẽ tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực, tăng cường đổi mới và kích thích tăng trưởng kinh doanh cho “siêu doanh nghiệp” mới này.
Tập đoàn Sinochem được thành lập vào năm 1950 và hiện có gần 60.000 nhân viên trong các lĩnh vực đa dạng bao gồm năng lượng, hóa chất, tài chính và bất động sản. Doanh thu của họ năm 2019 là khoảng 89 tỷ USD.
Trong khi đó, ChemChina có khoảng 148.000 nhân viên trong các lĩnh vực kinh doanh như hóa chất đặc biệt, lọc dầu và máy móc hóa chất. Doanh thu năm 2019 là 67 tỷ USD.
Cả hai đang có tổng tài sản ước tính trị giá khoảng 245 tỷ USD. Trong đó, ChemChina có tài sản ước tính khoảng 874 tỷ nhân dân tệ (133 tỷ USD) và Sinochem có tài sản khoảng 710 tỷ nhân dân tệ.
Trên thực tế, cả hai đang có sự trùng hợp ở nhiều mảng hoạt động bao gồm dầu và lọc dầu, hóa dầu, nông nghiệp và hóa chất đặc biệt khác. Bên cạnh đó, họ cũng có những mảng nghiên cứu giống nhau như khoa học đời sống, khoa học vật liệu, khoa học môi trường, cao su và lốp xe, máy móc và thiết bị, bất động sản và tài chính công nghiệp.
Các cuộc thảo luận về việc sáp nhập giữa Sinochem và ChemChina bắt đầu từ năm 2016, khi ChemChina thông báo sẽ mua lại Syngenta với giá 43 tỷ USD, một thỏa thuận đã được hoàn thành vào năm 2017. Ning Gaoning trở thành chủ tịch của cả hai công ty vào năm 2018. Vào đầu năm 2020, các công ty đã công bố kế hoạch hợp nhất tài sản nông nghiệp của họ dưới quyền Syngenta.
Có thể thấy, mặc dù Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất và tiêu thụ hóa chất lớn nhất thế giới, nhưng nước này vẫn chưa phát triển thành một gã khổng lồ hóa chất đa quốc gia như BASF hay Dow. Rõ ràng Sinochem muốn đóng vai trò đó.
William Chen, giám đốc điều hành khu vực châu Á của IHS Markit, cho rằng lĩnh vực kinh doanh chính của Sinochem là bất động sản, mặc dù họ đã đầu tư vào hóa chất cơ bản trong những năm gần đây nhưng có vẻ như chưa mạnh mẽ.
Trong những năm tới, Sinochem có kế hoạch tăng cường đầu tư vào sản xuất olefin, bao gồm quá trình cracking hơi nước và khử hydro propan (PDH). Trong khi đó, ChemChina sẽ tiếp tục tập trung vào các dẫn xuất và hóa chất đặc biệt. Sinochem đã bắt đầu thành lập một tổ hợp cracker và dẫn xuất quy mô thế giới tại Tuyền Châu, Trung Quốc, vào năm 2020.
Theo Sinochem, công ty mẹ mới sẽ hợp tác sâu hơn với ChemChina và “đạt được những đột phá về vật liệu và công nghệ quan trọng, cung cấp vật tư nông nghiệp và các dịch vụ nông nghiệp toàn diện, đồng thời thúc đẩy tính trung hòa của carbon”.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, các doanh nghiệp lọc dầu, cracker và PDH của Sinochem và các doanh nghiệp nhựa, cao su, lốp xe của ChemChina có tiềm năng hợp lực có thể giúp họ mở rộng chuỗi giá trị. Đồng thời, ChemChina cũng có các hoạt động kinh doanh methionine và silicone, mang lại lợi nhuận và bổ sung tốt cho việc sáp nhập.
Trong những năm gần đây, ChemChina đã mở rộng mạnh mẽ ra nước ngoài, điển hình là việc họ đã mua lại tập đoàn bảo vệ thực vật khổng lồ Syngenta của Thụy Sĩ với giá 43 tỷ USD và nhà sản xuất hóa chất nông nghiệp chung của Israel Adama.
Sun Chuanwang, phó giáo sư kinh tế năng lượng tại Đại học Hạ Môn, ca ngợi cuộc sáp nhập của cả hai. Ông cho rằng, điều này sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong các thị trường hóa chất cao cấp. Sun cũng lưu ý rằng việc kết hợp hai công ty là phù hợp với quá trình cải cách liên tục của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Kể từ năm 2013, chính quyền Bắc Kinh đã liên tục thúc đẩy sáp nhập giữa các công ty nhà nước lớn trong ngành thép, đường sắt và đóng tàu.
Có thể bạn quan tâm
Chuyện chưa kể về người kế nghiệp ở Hóa chất Đức Giang
03:00, 19/02/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, hóa chất
00:08, 30/03/2021
Khu công nghiệp ở Khánh Hòa chật vật kêu gọi đầu tư
02:05, 10/12/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 18/8: Xuất cấp hóa chất khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19
19:48, 18/08/2020