Làm sao để ứng phó với cuộc cách mạng 4.0; khởi nghiệp có khó và cần những yếu tố gì để thành công; những kỹ năng nào cần thiết của để làm việc và trở thành một công dân toàn cầu…
Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TPHCM đã có những chia sẻ với hơn 1.000 sinh viên tại chương trình giao lưu “ Đối thoại cùng CEO với chủ để “Học và làm gì để thành công trong thời đại 4.0” do Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp- Trường Đại học Công nghệ TPHCM tổ chức.
Tại chương trình, nhiều sinh viên đặt câu hỏi với các diễn giả về việc làm sao để ứng phó với cuộc cách mạng 4.0; khởi nghiệp có khó và cần những yếu tố gì để thành công; những kỹ năng nào cần thiết của để làm việc và trở thành một công dân toàn cầu…
Trước câu hỏi về cơ hội và thách thức của sinh viên trước cuộc cách mạng 4.0, doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh cho rằng, đối với một người trẻ thì luôn có cơ hội và thách thức dù đó là cuộc cách mạng thứ mấy. Song vị doanh nhân này cho rằng, các bạn trẻ bây giờ có nhiều cơ hội hơn đó là sự lựa chọn làm chủ hoặc làm thuê, không như trước đây chỉ có thể làm thuê, con số làm chủ rất ít”.
“Tất cả chúng ta đều có cơ hội và thách thức nhưng quan trọng là tâm thế chuẩn bị thế nào, đây sẽ là cơ hội để các bạn thể hiện năng lực của mình”, anh Nguyễn Tuấn Quỳnh nói.
Với kinh nghiệm phỏng vấn tuyển dụng hơn 2.000 ứng viên, anh Nguyễn Tuấn Quỳnh chỉ ra 7 yếu tố quyết định đến nhà tuyển dụng sẽ chọn đó là kiến thức; kỹ năng; thái độ sống; kinh nghiệm, trải nghiệm; mối quan hệ; sức khỏe và ngoại hình.
Kiến thức bao gồm kiến thức chuyên ngành và ngoại ngữ. Theo vị doanh nhân này, những người giỏi ngoại ngữ thường có mức thu nhập cao hơn người khác từ 30% và hiện tại, ở nhiều vị trí không biết ngoại ngữ được xem như mù chữ.
Với yếu tố thái độ sống, anh Nguyễn Tuấn Quỳnh cho rằng những ứng viên có lối sống lạc quan, tích cực, sẵng sàng giúp đỡ người khác luôn được đánh giá cao. “Tất cả những vấn đề này đều thể hiện trên mạng xã hội và facbook cá nhân của ứng viên”, anh Quỳnh nói…
Cũng theo anh Quỳnh, việc chuẩn bị CV (hồ sơ xin việc) không phải đến năm cuối mới làm mà ngay từ năm nhất. “Tất cả những hoạt động, đánh giá, lời khen ngợi của giảng viên, những kinh nghiệm trong quá trình học là yêu tố ghi điểm đối với nhà tuyển dụng…”, anh Quỳnh chia sẻ.
Về câu hỏi sinh viên có nên khởi nghiệp hay không? Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh khuyên không nên. Anh Quỳnh dẫn chứng, cứ 10 người khởi nghiệp thì có 8 người thất bại.
“Bản thân tôi cũng đang đầu từ vào 7 dự án star up thì có đến 4 dự án đã chết, 2 dự án thoi thóp, dự án còn lại có khả năng hoàn vốn trong tương lai. Bên cạnh đó, theo khảo sát của tôi thì đa phần các star up thành công đều có độ tuổi trung bình trên 35”, anh Quỳnh phân tích.
Dựa trên phân tích đó, doanh nhân này khuyên sinh viên sau khi ra trường hãy nên đi làm thêm để học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng…