Các chính phủ cần đưa số hóa trở thành một ưu tiên công. Họ sẽ thành công khi chuyển đổi số được tuyên bố là một mục tiêu chính sách.
Sau tất cả, có thể học được gì từ tất cả những điều trên? Có năm điểm được rút ra.
Số hóa quản trị sẽ vận hành tốt nếu được sự ủng hộ của công chúng. Không nhất thiết tất cả mọi người dân sẽ tham gia, nhưng điều quan trọng là phải có sự ủng hộ của các chủ thể chính trong khu vực tư nhân và trong các bộ phận dân cư như thanh niên và tầng lớp chuyên môn ưu tú, tức là các kỹ sư, nhà khoa học, giới học thuật.
Các ngân hàng là một đồng minh tự nhiên vì việc số hóa dưới sự dẫn dắt của chính phủ sẽ làm cho các giao dịch an toàn hơn so với các phương pháp mà họ có thể sử dụng nhưng vấn đề không kém phần quan trọng là cho phép các ngân hàng cắt giảm cả chi phí lao động và chi phí thuê trụ sở và vận hành. Quả thực, khu vực ngân hàng đang và sẽ là một bộ phận của khu vực tư nhân mà số hóa mang lại những lợi thế lớn nhất về bảo mật cũng như tiết kiệm.
Sự ủng hộ của thanh niên giúp huy động toàn xã hội và với năng lượng của họ trong việc hiện đại hóa và thử những cái mới, luôn là điều tốt khi có họ tham gia vào quá trình này. Tất cả các thành phần, như giới học thuật/giới chuyên môn ưu tú, khu vực tư nhân và thanh niên, đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng sự ủng hộ rộng rãi đối với việc tiến hành số hóa ở Estonia.
Các chính phủ cần đưa số hóa trở thành một ưu tiên công. Họ sẽ thành công khi chuyển đổi số được tuyên bố là một mục tiêu chính sách, được cấp lãnh đạo cao nhất như nguyên thủ quốc gia và/hoặc người đứng đầu chính phủ với vai trò là động lực chính trị của quá trình đó dẫn dắt và nêu rõ là một ưu tiên. Do số hóa là một quá trình của toàn bộ chính phủ nên mọi thành viên trong chính phủ - các bộ trưởng và quan chức cấp cao cần phải tham gia vào quá trình số hóa.
Quá nhiều quốc gia thất bại khi họ đẩy nhiệm vụ này cho một cơ quan, bổ nhiệm một “bộ trưởng số” với quyền lực giống như tất cả các bộ trưởng khác. Điều này hầu như đảm bảo chuyển đổi số sẽ thất bại: các bộ trưởng khác sẽ phớt lờ những gì “bộ trưởng số” nói, trong khi nỗ lực số hóa các bộ sẽ luôn có lý do biện minh cho tiến độ chậm chạp, rằng đó là “vấn đề của bộ trưởng số, không phải vấn đề của tôi”. Cách duy nhất để tránh tình trạng này là để thành viên có địa vị cao hơn trong chính phủ đứng đầu quá trình đó, ít nhất là về mặt chính trị.
Về mặt thực tế và kỹ thuật, nguyên thủ quốc gia/người đứng đầu chính phủ sẽ là động lực chính trị, nhưng giám đốc dự án do họ bổ nhiệm là người quản lý quá trình đó. Giám đốc dự án là chuyên gia chịu trách nhiệm về quá trình và không nên dưới quyền ai khác ngoài nguyên thủ quốc gia/người đứng đầu chính phủ - người có quyền lực hành pháp để thực hiện chuyển đổi số.
Số hóa thành công khi các chính phủ nhanh chóng cung cấp các dịch vụ công mà người dân ưa thích, ví dụ: kê khai thuế dễ dàng, đơn thuốc kỹ thuật số, bất kỳ điều gì làm đơn giản hóa các tương tác với bộ máy hành chính (đăng ký khai sinh, mua bảo hiểm y tế cho trẻ em, đăng ký xe ô tô hoặc gia hạn giấy phép lái xe).
Việc đơn giản chỉ số hóa chính phủ để bản thân các bộ hoạt động hiệu quả hơn nhưng không cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho công chúng sẽ là một chương trình số hóa có rất ít sức hút đối với công chúng. Một cách để xác định điều gì sẽ có tác dụng thu hút nhất là xem cơ quan chính quyền nào là nơi có nhiều công dân đang chờ đợi một dịch vụ hoặc mong đợi điều gì đó, hoặc nơi tồn đọng với khối lượng lớn các đơn từ của công dân chờ xử lý.
Số hóa sẽ chậm chạp khi thiếu ý chí chính trị từ phía chính phủ. Các chính phủ lo sợ phải thực hiện những bước đi ban đầu mà có thể không quen thuộc và do vậy ngại thực hiện. Ví dụ: nhiều chính phủ ở Châu Âu và Hoa Kỳ đã hoặc đang e ngại việc phát hành các ID số an toàn có tính bắt buộc. Do đây là một điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ hình thức quản trị số an toàn nào nên điều này đơn giản có nghĩa là số hóa sẽ thất bại. Thất bại thứ hai là việc không có khả năng truyền thông phù hợp để xoa dịu những nỗi sợ hãi phi lý (“Điều này sẽ phá hủy quyền riêng tư”, “Đây là Anh Cả”, v.v...) và giải thích rằng nếu làm đúng cách thì những lo sợ này là không cần thiết.
Đây là lúc cần đến dũng khí chính trị và sự lãnh đạo chính trị. Luôn khó khăn khi thay đổi cách mọi người thực hiện công việc. Các nhà lãnh đạo chính trị cảm thấy không tự tin và không muốn thực hiện những việc mà họ sợ rằng sẽ không được công chúng ủng hộ. Các công chức đã quen với một cách làm sẽ ngại thay đổi. Công dân không phải lúc nào cũng hiểu được ý nghĩa của các chính sách mới.
Chính vì vậy, “tập thể lãnh đạo” chính trị của một quốc gia cần thể hiện sự lãnh đạo thực sự, giải thích ý nghĩa của số hóa, cách thức vận hành, những gì nó sẽ mang lại cho người dân. Điều này cũng có nghĩa là các nhà lãnh đạo ít nhất cần hiểu được các khía cạnh cơ bản của những việc phải tiến hành để số hóa và nếu được yêu cầu, cần giải thích được lý do thực hiện các việc đó.
Không có gì trong việc này là dễ dàng cả. Cá nhân tôi đã bị công kích vì số hóa trong gần mười năm liên tục, bắt đầu từ việc thúc đẩy tin học hóa các trường học cho đến việc số hóa toàn bộ quy trình quản trị. Nói chung, chính sự phản đối về mặt chính trị đã gây ra điều này. Tuy nhiên, một thập kỷ sau, tất cả những thay đổi được tiến hành ở Estonia đã được coi là “bình thường”.
Và, như một điều không thể tránh khỏi trong những trường hợp này, mọi người lập tức quên mất ai là người đã và đang thúc đẩy số hóa và lại tin rằng làm các việc theo phương thức số là điều đương nhiên và rằng tất cả những điều này “dù thế nào” cũng sẽ diễn ra. Hai thập kỷ sau đề xuất của tôi về việc số hóa trường học, bản thân phe đối lập một thời từng chỉ trích tôi đã lên nắm quyền và giờ đây đi khắp thế giới tuyên bố Estonia là “Cộng hòa Số đầu tiên trên thế giới”.
Cuối cùng, số hóa sẽ diễn ra trên khắp thế giới. Cuộc khủng hoảng Covid- 19 và nhu cầu giảm tiếp xúc trực tiếp và sự đông đúc trong các cơ quan chính phủ đã thúc đẩy số hóa nhanh hơn những gì người ta đã từng nghĩ trước khi xảy ra khủng hoảng. Những Chính phủ chuyển dịch nhanh chóng sẽ đi trước những chính phủ còn chần chừ và lê bước. Những quốc gia đó cũng sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thách thức mới chắc chắn sẽ nảy sinh cho dù có thực hiện số hóa hay không.
Có thể bạn quan tâm
Số hoá một quốc gia: Nhìn từ trường hợp Estonia và những bài học (Kỳ 3)
18:03, 04/10/2020
Số hoá một quốc gia: Nhìn từ trường hợp Estonia và những bài học (Kỳ 2)
04:30, 03/10/2020
Số hoá một quốc gia: Nhìn từ trường hợp Estonia và những bài học (Kỳ 1)
04:45, 02/10/2020
Thay đổi phương thức giao dịch tài chính ngân hàng nhờ số hóa ngân hàng
17:19, 02/10/2020
Tiệm tạp hóa được số hóa
15:26, 28/09/2020