Hiện tại các doanh nghiệp khởi nghiệp chủ yếu quan tâm bề nổi, những gì cầm và sờ được nhưng còn có những tài sản vô hình, giá trị lớn họ chưa quan tâm nhiều.
Sở hữu trí tuệ (SHTT) giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tăng giá trị thương mại, mang lại lợi ích to lớn cho chủ sở hữu cũng như toàn xã hội, định hướng nghiên cứu, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự sáng tạo và đầu tư. Đây cũng là công cụ pháp lý để giảm thiểu rủi ro, chống xâm phạm quyền cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Hãy bán cái vô hình để lấy được nhiều tiền hơn” – đó là lời khuyên của ông Trần Giang Khuê – Đồng Trưởng làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) – Techfest.
Ông Giang nhận định: Tháp nhu cầu trên cơ sở xây dựng thương hiệu của SHTT đòi hỏi phải tính được ba yếu tố liên quan đến đổi mới sáng tạo, nếu không doanh nghiệp sẽ chỉ sản xuất thô, xuất khẩu sản phẩm thô mà thôi. Khởi nghiệp ĐMST cần đưa được 3 giá trị cơ bản thì mới giải quyết được vấn đề, bao gồm: xác định nhu cầu là yếu tố đầu tiên, đánh giá tiềm năng thương mại là yếu tố thứ hai, đánh giá khả năng bảo hộ, nộp hồ sơ, theo dõi và xử lý là yếu tố thứ ba.
“Trên thị trường hiện nay, một chai nước uống giá 5.000 đồng nhưng giá cũng tương đương một khối nước (1m3) nước sinh hoạt dùng tại gia đình mà không khác nhau gì về bản chất vì vẫn từ nguồn nước của sông được đưa lên lọc. Tuy nhiên tại sao 1m3 nước và một chai nước cũng đồng giá 5.000 đồng? Nó khác nhau ở tri thức, ở bằng sáng chế, thương hiệu, uy tín, niềm tin, các loại tài sản vô hình tích hợp trong đó. Khoảng cách chênh lệch nhau gấp 2.000 lần khiến doanh nghiệp phải tính đến ba yếu tố trong một sản phẩm đổi mới sáng tạo được đưa ra thị trường thì mới bán được” - ông Trần Giang Khuê nói thêm.
Bà Lê Thị Thanh Tâm – Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST– ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Giá trị của một bí mật kinh doanh cũng là đối tượng của quyền SHTT. Một sản phẩm ở phòng nghiên cứu khi đưa ra thị trường cần có nhân sự, marketing, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản phẩm phù hợp thị trường, thậm chí cả nhà máy.
Nhà đầu tư cũng phải bỏ công sức, nhân lực, trí lực, vật lực để nghiên cứu và đưa sản phẩm phù hợp thị trường vậy nên không có sản phẩm bảo vệ độc quyền thì họ khó bù đắp và thu lại khoản chi phí đầu tư ban đầu. Việc xác lập quyền SHTT là một trong những điều kiện thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Khi thực hiện nghiên cứu một dự án hay ý tưởng khởi nghiệp, các startup cần tra cứu thông tin để dảm bảo không trùng lặp.
“Chúng ta đầu tư nghiên cứu muốn tạo ra lợi nhuận thì phải độc quyền. Nếu không độc quyền thì đối thủ cạnh tranh cũng làm sản phẩm tương tự, đưa sản phẩm ra thị trường, bán hàng cạnh tranh, khiến ta phải hạ giá thành, không có gì thu lại, startup dễ lâm vào tình trạng “down” luôn” – bà Lê Thị Thanh Tâm nhấn mạnh.
Một điều cần lưu ý nữa, trong các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST hay hoạt động doanh nghiệp, văn hóa SHTT cần được nâng cao, quản lý tài sản trí tuệ sao cho hiệu quả. Việc xây văn hóa SHTT không chỉ là những người nghiên cứu khoa học, những người ĐMST mà phải xuất phát từ ban lãnh đạo đơn vị, có sự ủng hộ và đồng ý thực hiện sẽ xuyên suốt với những người có liên quan để văn hóa SHTT được lan tỏa rộng rãi.
Có thể bạn quan tâm