Trong 6 tháng đầu năm 2024, các kênh vàng, chứng khoán, ngoại tệ, tiết kiệm và bất động sản có biến động và lợi suất sinh lời khác nhau.
Mức sinh lời của các kênh đầu tư nửa đầu năm
Thống kê của VFA Group cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ giá tăng 4,3%. Tỷ giá USD/VND tăng cao do USD - Index ở mức cao trên 104 điểm, lãi suất Fed chưa giảm và áp lực lạm phát trong nước. Tuy nhiên, tỷ giá đã ổn định từ tháng 6 và có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đối với kênh vàng, giá vàng thế giới tăng mạnh, đạt mức 2.327 USD/ounce vào ngày 30/6, tăng 12,78% so với đầu năm. Nguyên nhân do lạm phát cao, kinh tế chưa ở định và rủi ro chính trị khu vực. Giá và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mặc dù các tổ chức tài chính đánh giá kinh tế thế giới tích cực hơn đầu năm.
Giá vàng SJC tăng mạnh vào đầu năm, nhưng hạ nhiệt từ tháng 6/2024 khi Nhà nước bán vàng ra thị trường. Vàng SJC 6 tháng đầu năm tăng 4%.
Kênh chứng khoán ghi nhận tại 30/6, VN-Index đạt 1.245,3 điểm tại 30/6, tăng 11% trong 6 tháng đầu năm. Thị trường chứng khoán (TTCK) 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng tích cực, với giá trị giao dịch bình quân/ngày đạt 24.568 tỷ đồng, tăng 39,9% so với năm 2023.
"P/E Việt Nam hiện ở mức 15.8, cao hơn bình quân 5 năm là 14.7 và khá cao so với khu vực. Điều này cho thấy TTCK Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài", TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia Tài chính Đầu tư chia sẻ tại talkshow "Tài chính cho mọi người" do VFA và Vietstock đồng tổ chức.
Kênh bất động sản (BĐS) ghi nhận tình hình thị trường BĐS tại TP.HCM và Hà Nội có tích cực hơn năm 2023. Lượng giao dịch sản phẩm sơ cấp tăng gấp 3 so với 2023. Giá căn hộ tại Tp.HCM và Hà Nội tăng nhẹ.
Đất nền, nhà thấp tầng vùng ven ở các tỉnh thành và BĐS Du lịch vẫn có xu thế giảm tính từ giá đỉnh tháng 6/2022. Mặc dù có sự hạ nhiệt ở một số khu vực nhưng giá BĐS vẫn ở mức cao so với nhu cầu đầu tư và khai thác cho thuê; do vậy thị trường BĐS vẫn chưa đi vào giai đoạn phục hồi.
Các chuyên gia lưu ý báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường xây dựng (Bộ Xây dựng), hàng tồn kho BĐS quý I/2024 đã tăng 43% so với quý IV/2023. Trong đó, quý I/2024 tổng giá trị hàng tồn kho công ty BĐS niêm yết là 490 ngàn tỷ đồng, tăng 4% với đầu năm. Do đó, thị trường vẫn còn khó khăn.
Về lợi suất đầu tư, ông Trần Lâm Bình, CEO Công ty Du lịch Việt Mỹ Touris, Chuyên viên tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán VPS, Phó Chủ nhiệm VFA cho biết, dữ liệu ghi nhận kênh chứng khoán có mức sinh lời vượt trội so với các kênh khác.
Do tỷ giá tăng mạnh, nên người nắm giữ USD có mức sinh lợi cao thứ hai. Kênh cho thuê căn hộ đã có mức sinh lợi gần tương đương gửi ngân hàng.
Mặc dù giá vàng tăng mạnh đầu năm, nhưng hạ nhiệt vào cuối tháng 6, do với với giá mua đầu năm và bán lại vào cuối tháng 6, chỉ còn 0,64%.
Bỏ tiền kênh nào thời gian tới?
Đối với triển vọng nửa cuối năm, theo ông Phạm Trọng Phú, CEO Công ty Titanium Wine, Phó Chủ nhiệm VFA Group, trả lời câu hỏi nhà đầu tư hiện đang có 1-2 tỷ đồng liệu có nên đầu tư vào bất động sản, ông cho rằng đây là bài toán khó.
Bởi với tài chính 1-2 tỷ đồng, phải có sự hỗ trợ đòn bẩy tài chính, phải ra vùng ven mua BĐS vùng ven. Theo ông Phú hiện TP.HCM giá căn hộ 50 triêu/m2 là tối thiểu, giá 1 căn hộ 50m cũng phải tối thiểu 2 tỷ. Sinh lợi ngắn hạn khó do giá đầu vào cao vì vậy mua để đầu tư hơi khó. Còn mua đất nền do tác động của các Luật bất động sản vừa hiệu lực nên nhiều NĐT cũng đang quan sát các phân khúc thị trường. Theo thực tế đất trong dự án có thể xây nhà giá đang cao 30-40%, Thủ Đức tăng gấp đôi.
TS. Đinh Thế Hiển cho rằng với vốn ít, NĐT vẫn có thể tìm các vùng ven giá đất còn thấp, có thể hình dung và đón cơ hội chuyển đổi, thì nắm bắt cơ hội với đầu tư bất động sản cho 5-10 năm tới.
Ông Lê Đình Toán, Chuyên gia Chứng khoán chia sẻ, đầu tư chứng khoán là kênh hấp dẫn nhưng luôn có biến động và rủi ro.
Lợi suất bình quân 24 năm của TTCK VN cao hơn 30% so với gửi ngân hàng. Mặc dù TTCK Việt Nam được xem là rủi ro cao, và gặp nhiều giai đoạn khó khăn; nhưng lợi suất bình quân vẫn cao hơn so với gửi ngân hàng. Lợi suất bình quân năm của TTCK Việt Nam từ 2000 – tháng 6/2024 là 11%.
"Hiện tại là thời điểm NĐT có thể quan sát để tìm thời điểm tham gia thị trường nhưng lưu ý đầu tư chứng khoán luôn biến động. Nếu NĐT muốn hỏi "mai mua được chưa", thì câu trả lời là thận trọng chờ để có điểm mua hợp lý, sau đó phải chọn đúng doanh nghiệp, quản lý đòn bẩy phù hợp. Chọn đúng doanh nghiệp mà sai đòn bẩy vẫn "chết", ông Toán nhấn mạnh.
Nhận định chung về các kênh đầu tư, TS. Đinh Thế Hiển cho biết: Đối với chứng khoán, về cơ bản có thể đầu tư giúp gia tăng tài sản, nhưng nó đòi hỏi kiến thức và đánh giá rủi ro. Với NĐT không chuyên, có thể chọn đầu tư vào Quỹ mở với an toàn khá cao, nhưng lợi suất trung bình (8 – 15%/năm).
Đầu tư chứng khoán theo nhận định cá nhân có rủi ro khó đo lường trước, tuy nhiên chứng khoán theo tiến trình sẽ kênh dần dần và ngày càng minh bạch, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, hấp dẫn khi nâng hạng.
Đối với kênh tiền gửi, TS Đinh Thế Hiển nhận định: Ở Việt Nam, gửi tiền gửi hưởng lãi suất các ngân hàng lớn Big 4 không lo vì rất an toàn. Lãi suất tiền gửi trừ lạm phát thì thực dương 0,5% trong 6 tháng đầu năm 2024; còn các năm trước có thể cao hơn 1-1,5%. Ở các nước khác như Mỹ thì chỉ cao 1% là tối đa, có thời điểm lạm phát cao thì không có chênh lệch.
Kênh mua USD cao hơn kênh gửi tiền đạt 3,3%, đây là năm duy nhất do biến động ngoại hối nên có mức cao như vậy, ông Hiển nhấn mạnh.
Đối với kênh BĐS mua cho thuê, thống kê khu vực TP Thủ Đức, Bình Thạnh có chung cư chuẩn, giá thấp (tùy dự án), lấy số tiền thuê 6 tháng chia giá trị căn hộ đạt 2,2%, TS Hiển cho rằng đây là suất sinh lời căn hộ cho thuê cao hơn cả nước. Nhưng ông cũng nhận định nhìn chung suất sinh lời đầu tư căn hộ cho thuê đang giảm xuống.
Ngoài ra, vàng tăng quá mạnh quá hấp dẫn trong thời gian nhưng thực tế ở thị trường vàng của ta, chênh lệch theo giá đầu tư đầu năm và tính giá tại 30/6 thì chỉ đạt tỷ suất sinh lời 0,63% - một mức rất thấp và đầy rủi ro, TS Hiển lưu ý.