Kinh tế địa phương

Sóc Trăng phát triển du lịch bền vững

Thùy Linh 07/11/2024 08:04

Sóc Trăng có nhiều lễ hội đặc sắc và là nơi giao thoa văn hóa của 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Để thúc đẩy ngành du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại và phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sóc Trăng tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái; nâng cao tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của 3 dân tộc Kinh - Hoa – Khmer.

Tiềm năng sẵn có, hấp dẫn du khách

Sóc Trăng là vùng đất có những nét văn hóa đặc sắc mang tính đặc trưng, giao thoa giữa ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; đồng thời, có nhiều lễ hội, công trình kiến trúc độc đáo và những cù lao trù phú với những vườn cây ăn trái cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Sóc Trăng còn là điểm đến lôi cuốn du khách bởi đây là vùng đất của những ngôi chùa nổi tiếng, độc đáo như chùa: Mahatup (chùa Dơi), Kh’leang, Bô Tum Vong Sa Som Rong, Đất Sét, Peam Buôl Thmây (thành phố Sóc Trăng), Sà Lôn (chùa Chén Kiểu, huyện Mỹ Xuyên)…

Đua ghe Ngo ở Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo.
Đua ghe Ngo ở Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo.

Trong đó, có những ngôi chùa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh. Người Khmer Sóc Trăng có truyền thống văn hóa từ lâu đời với phong tục tập quán, các điệu múa dân gian, kiến trúc chùa, nghề truyền thống… Nét văn hóa đa dạng này đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của tỉnh, tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Vào dịp lễ hội, ngôi chùa Khmer không chỉ là nơi thực hiện các nghi lễ theo phong tục tập quán mà còn là địa điểm hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi của cộng đồng. Hiện Sóc Trăng có 93 ngôi chùa Khmer, đây là một lợi thế, tiềm năng khai thác du lịch văn hóa tâm linh rất lớn của tỉnh.

Bên cạnh đó, Sóc Trăng còn được xem là vùng đất của các lễ hội truyền thống đặc trưng, thu hút khách khắp nơi về tham gia. Nổi bật như: Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo, Thắk Kôn (cúng Dừa), Nghinh Ông, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sene Đôn Ta, lễ dâng y Kathina, Lễ hội Chrôy Rum Chếk (cúng Phước Biển Vĩnh Châu), Lễ cúng Bà Thiên Hậu… được tổ chức quanh năm ở các địa phương trong tỉnh.

Nghị quyết số 17/NQ-HĐND, ngày 28/2/2022 thông qua Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, đã đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc trưng, có sức cạnh tranh. Hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp. Đến năm 2030, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

Độc đáo Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo

Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 9 - 15/11/2024. Ông Trần Minh Lý - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết, chương trình được tổ chức với mục tiêu tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt trong các hoạt động lễ hội; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Lễ hội có 5 hoạt động chính, gồm: Chương trình khai mạc; Giải đua ghe ngo; Lễ cúng trăng; Trình diễn Lôiprotip (thả đèn nước) và trình diễn ghe Cà Hâu; tổng kết bế mạc Lễ hội và kết hợp bế mạc trao thưởng Giải đua ghe ngo. Đối với Giải đua ghe ngo, đến nay, có 61 đội ghe ngo đăng ký tham gia, trong đó trong tỉnh có 49 đội (46 đội nam và 3 đội nữ), ngoài tỉnh (Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang) có 12 đội ghe (8 đội nam và 4 đội nữ.

Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng có 6 hoạt động, gồm: hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Sóc Trăng và đặc sản vùng miền năm 2024; Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Sóc Trăng; tổ chức xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam về trình diễn nhạc ngũ âm - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam (số lượng 20 dàn ngũ âm, với khoảng 200 diễn viên, nhạc công tham gia trình diễn); Giải các câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh toàn quốc năm 2024; Liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng” lần thứ VI, năm 2024; giới thiệu sản phẩm du lịch Sóc Trăng.

Theo ông Trần Minh Lý, trong khuôn khổ của Lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao được lồng ghép tổ chức nhằm đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, quang bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Sóc Trăng. Qua đó góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của du lịch bền vững, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch góp phần vào sự phát triển chung của Sóc Trăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sóc Trăng phát triển du lịch bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO