“Sợi dây” liên kết vùng và trách nhiệm “nhạc trưởng”

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT 27/10/2022 00:06

Trách nhiệm của “nhạc trưởng” trong liên kết vùng là làm gia tăng “sợi dây” liên kết để tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp và HTX.

>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thành lập Hội đồng thẩm định dự án Đường liên kết vùng

Đặc biệt, phải két nối hiệu quả các sản phẩm vùng miền đến gần với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam (giữa). Ảnh: Nguyễn Việt

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam (giữa). Ảnh: Nguyễn Việt

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh tại Diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng – Tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã”, do Tạp chí Kinh doanh (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức ngày 26/10.

Giải “bài toán” tích tụ ruộng đất

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, liên kết vùng đối với doanh nghiệp và HTX cần có “nhạc trưởng” để tái phân công và phối hợp trên quy mô vùng, đột phá thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng nhằm tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó, có kinh tế hợp tác, HTX. Từ đó, tạo sức hấp dẫn mới thu hút nguồn vốn đầu cho phát triển kinh tế tập thể.

“Cần tiếp tục nghiên cứu để hình thành tổ chức quản trị điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương, điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng”, ông Nguyễn Văn Thịnh nói.

Muốn đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại cùng với sự liên kết của doanh nghiệp và HTX, ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng cần phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất.

Bên cạnh đó, việc thắt chặt liên kết bốn nhà trong đó có mô hình liên kết HTX chính để khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế từng địa phương, vùng miền.

Trao đổi tại diễn đàn, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, việc sửa đổi những vướng mắc tại Luật Đất đai sẽ giúp đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. 

>>Hà Nội phát triển các sản phẩm du lịch liên kết vùng

>>Tìm "lời giải" liên kết vùng ĐBSCL

PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Việt

PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Việt

PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, nếu những quy định về tiếp cận đất đai chưa được tháo gỡ thì khó đẩy mạnh liên kết vùng. “Thực tế, nhiều người giàu lên vì đất đai nhưng chi phí về đất đai cũng cản trở sự phát triển, không giải quyết nút thắt thì sẽ kéo lùi sự phát triển”, PGS. TS Trần Đình Thiên bày tỏ.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Trần Đình Thiên liên kết vùng chưa thực sự thành công trên thực tiễn. Liên kết vùng phải có nền tảng, nối kết các tiềm năng gắn bó với nhau, trình độ xuất phát để bảo đảm có vùng phát triển thật, nếu không làm rõ, lập vùng ra sẽ không thể phát triển. 

Cùng với đó, cần có cơ chế vận hành và thể chế điều hành phát triển vùng. Sản xuất nông nghiệp định hình theo chuỗi,  không phải “mạnh ai nấy làm”. Nói đến chuỗi công nghệ cao thì phải có doanh nghiệp. 

Thị trường nông sản Việt Nam bây giờ là thị trường thế giới. Thế giới cần gì, quy mô, tốc độ ra sao thì doanh nghiệp, nông dân Việt Nam phải đáp ứng được. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Như vậy, có rất nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm thách thức thay đổi. 

Để đáp ứng được những yêu cầu trên, quay trở lại câu chuyện ban đầu, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, không tạo vùng lớn thì không có chuỗi nông sản. Có cơ chế liên vùng tốt thì mới đảm bảo liên kết phát triển mạnh được. Liên kết vùng để tận dụng được hết thời cơ phát triển.

Vùng nguyên liệu là câu chuyện “chưa bao giờ cũ”

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) bình luận, liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu nông sản là câu chuyện “chưa bao giờ cũ”. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay lại càng quan trọng.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT). Ảnh: Nguyễn Việt

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT). Ảnh: Nguyễn Việt

Ông Nguyễn Quốc Toản chia sẻ, thời gần đây liên tiếp nhận tin vui từ thị trường nhập khẩu, như quả sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, quả bưởi da xanh xuất khẩu vào Mỹ…

“Kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên, nhưng vấn đề phải làm sao duy trì đà tăng trưởng bền vững mới là điều quan trọng. Như vậy, giá trị quyết định tất cả bởi nhu cầu thị trường luôn biến động”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhìn nhận, thị trường nông sản Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc cùng với những thành tựu to lớn của nền nông nghiệp nước nhà.

Xuất khẩu nông sản tăng nhanh cả về sản lượng và kim ngạch. Đơn cử, năm 2010 mới chỉ có 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thì đến hết năm 2021 nhóm hàng nông sản đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 6 nhóm hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, Vụ Thị trường trong nước cho rằng việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Ảnh: Nguyễn Việt

Ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Ảnh: Nguyễn Việt

Trong đó, tiêu thụ hàng nông sản Việt Nam liên tục gặp khó khăn, hàng nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Hệ thống phân phối nông sản phần lớn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, tổ chức kém, thiếu liên kết làm tăng rủi ro, chi phí giao dịch, gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh.

Thị trường xuất khẩu nông sản lệ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống dễ bị tổn thương khi thị trường này bị ngưng trệ do nguyên nhân khách quan và chủ quan, gần đây nhất là tác động của dịch COVID- 19.

Hiện tượng mất cân đối cung-cầu đối với nhiều mặt hàng nông sản vẫn diễn ra phổ biến, như tình trạng dư cung, giá giảm mạnh đối với ngành hàng thịt lợn vào đầu năm 2017… Nhưng lại thiếu và giá tăng cao năm 2020...

Nguyên nhân được Vụ Thị trường trong nước chỉ ra là do đặc điểm sản xuất nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, manh mún. Trung bình chỉ đạt 0,18ha/thửa và 2,5 thửa đất/hộ, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ.

Nông sản sản xuất ra không theo tín hiệu thị trường, khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém, hạ tầng logistics vừa thiếu vừa yếu, tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường, đặc biệt là tư duy “rau hai luống, lợn hai chuồng”, khả năng hợp tác của nông dân còn yếu…

Cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn, thu hút được các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia kinh doanh nông sản, đầu tư xã hội cho nông lâm thủy sản chỉ chiếm 6% tổng đầu tư của xã hội. Cơ chế, chính sách ban hành nhiều, nhưng chưa đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chính sách hỗ trợ chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, mang tính cào bằng bình quân.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thành lập Hội đồng thẩm định dự án Đường liên kết vùng

    20:28, 12/10/2022

  • Hà Nội phát triển các sản phẩm du lịch liên kết vùng

    02:00, 28/09/2022

  • Tìm "lời giải" liên kết vùng ĐBSCL

    01:04, 27/08/2022

  • Quảng Ninh: Liên kết vùng để phát triển du lịch

    03:30, 24/08/2022

  • Phú Thọ phải xác định là trung tâm liên kết vùng

    17:24, 13/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Sợi dây” liên kết vùng và trách nhiệm “nhạc trưởng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO