Sớm ban hành Danh mục phân loại để thúc đẩy phát triển tín dụng xanh

YẾN NHUNG 04/04/2024 03:00

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của thị trường tín dụng xanh tương xứng với tiềm năng, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm ban hành Danh mục phân loại xanh…

>> Cần hoàn thiện pháp lý cho phát triển tín dụng xanh

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.

hiện nay thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng - Ảnh minh họa: ITN

Hiện nay thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư bổ sung 368 tỷ USD tương đương 20 tỷ USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, trên thế giới và khu vực, thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh đã phát triển nhanh trong những năm gần đây. Để phát huy được vai trò của Chính phủ đối với tín dụng xanh, trái phiếu xanh, một trong những công cụ quan trọng đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới chính là ban hành Danh mục phân loại xanh.

Đến nay đã có một số danh mục được xây dựng và ban hành, sửa đổi bởi EU, ASEAN, Trung Quốc, Bangladesh, Kazachstan… Việc ban hành ra Danh mục này không chỉ phát huy vai trò của Chính phủ trong kiến tạo cho thị trường mà còn khẳng định cam kết quốc gia cho việc thực hiện các mục tiêu môi trường trong phát triển bền vững.

>>Tín dụng xanh còn nhiều dư địa phát triển

Để thúc đẩy sự phát triển của tín dụng xanh, theo chuyên gia, cần thiết sớm ban hành Danh mục phân loại xanh - Ảnh minh họa: ITN

Để thúc đẩy sự phát triển của tín dụng xanh, theo chuyên gia, cần thiết sớm ban hành Danh mục phân loại xanh - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, hiện nay thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dự nợ toàn nền kinh tế. Con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh chính là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, khi đó còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường và Danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia. Vì vậy, việc sớm ban hành quy định về tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường là rất cần thiết, đồng thời là cơ sở quan trọng để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính xanh đầy tiềm năng này.

Xoay quanh vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng được một hướng dẫn thống kê về tín dụng theo phân loại xanh. Tuy nhiên hướng dẫn về 12 ngành xanh do Ngân hàng Nhà nước ban hành từ năm 2017, chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia và chưa có sự thống nhất về việc phân loại lĩnh vực xanh của các bộ, ngành khác, chưa đảm bảo xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh của ngành ngân hàng cho nền kinh tế nên tỷ trọng tín dụng xanh mới chiếm 4,5% dư nợ nền kinh tế.

“Do vậy, cần có quy định chung về Danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Từ đó, các tổ chức tín dụng có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng khách hàng, doanh nghiệp trong quá trình thẩm định cho vay. Hơn nữa sẽ tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh”, bà Phạm Thị Thanh Tùng nhận định.

Ngoài ra, để các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả nhằm mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, Phó Vụ trưởng cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của ngành ngân hàng để hướng dòng vốn tín dụng tài trợ dự án thân thiện với môi trường, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh… đòi hỏi sự phối, kết hợp từ nhiều phía.

“Các bộ, ngành cần rà soát, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý để có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh”, đại diện Ngân hàng Nhà nước kiến nghị.

Đồng quan điểm nêu trên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV nhận định, để phát triển tài chính xanh tốt hơn, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, Chính phủ cần sớm ban hành bộ tiêu chí về dự án xanh, công trình xanh, công sở xanh… cũng như cập nhật các tiêu chí trái phiếu xanh, tín dụng xanh cho phù hợp với mục tiêu mới, bối cảnh mới và theo thông lệ quốc tế (ít nhất là tiêu chuẩn ASEAN).

“Đồng thời, cần có thêm hướng dẫn trong trường hợp nếu dự án hoặc hạng mục dự án không đảm bảo được tính xanh sau mỗi kỳ đánh giá như cách thức xử lý, khắc phục vi phạm, công bố thông tin về vi phạm, xét duyệt lại sau khi hoàn thiện khắc phục”, TS. Cấn Văn Lực đề nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần hoàn thiện pháp lý cho phát triển tín dụng xanh

    Cần hoàn thiện pháp lý cho phát triển tín dụng xanh

    16:00, 03/04/2024

  • MSB chính thức triển khai gói tín dụng xanh có quy mô 3.000 tỷ đồng

    MSB chính thức triển khai gói tín dụng xanh có quy mô 3.000 tỷ đồng

    07:19, 21/03/2024

  • Tín dụng xanh còn nhiều dư địa phát triển

    Tín dụng xanh còn nhiều dư địa phát triển

    01:00, 16/02/2024

  • Tăng năng lực cho hệ thống ngân hàng, thúc đẩy tín dụng xanh

    Tăng năng lực cho hệ thống ngân hàng, thúc đẩy tín dụng xanh

    04:50, 11/02/2024

  • Khơi dòng “tín dụng xanh” chảy vào doanh nghiệp

    Khơi dòng “tín dụng xanh” chảy vào doanh nghiệp

    16:23, 08/02/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sớm ban hành Danh mục phân loại để thúc đẩy phát triển tín dụng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO