Sớm lập khung pháp lý để kiểm soát thuốc lá thế hệ mới có trách nhiệm

MAI HẰNG 14/07/2023 15:10

Dù chưa được phép kinh doanh hợp pháp ở nước ta, nhưng việc mua bán thuốc lá thế hệ mới đang diễn ra công khai. Do đó, cần sớm có khung pháp lý để kiểm soát thị trường, chống thất thu NSNN.

Tại hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 5/7 mới đây, nhiều chuyên gia, đại biểu đã thảo luận về tính cấp thiết của việc cần quản lý những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành và định hướng hợp pháp hóa có trách nhiệm trên cơ sở bảo vệ giới trẻ, cộng đồng.

>> Cần chính sách đầy đủ và khách quan trong quản lý thuốc lá thế hệ mới

Cần sớm có sự thống nhất giữa các bộ, ngành

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Chính phủ và Bộ Công Thương đang xem xét cho phép kinh doanh thí điểm thuốc lá thế hệ mới nhằm giảm nhập lậu các sản phẩm này, chống thất thu ngân sách, tránh tác động tiêu cực lên ngành sản xuất công nghiệp thuốc lá trong nước, đồng thời đảm bảo có thời gian đánh giá tác động kinh tế - xã hội của sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trước khi luật hóa dài hạn.

Hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý thuốc lá thế hệ mới của Việt Nam chưa đầy đủ nên nhiều hội thảo đã được tổ chức nhằm góp thêm tiếng nói xây dựng chính sách quản lý phù hợp đối với dòng sản phẩm này.

Hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý thuốc lá thế hệ mới của Việt Nam chưa đầy đủ nên nhiều hội thảo đã được tổ chức nhằm góp thêm tiếng nói xây dựng chính sách quản lý phù hợp đối với dòng sản phẩm này.

Hiện nay ở Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa có chính sách quản lý, chưa được phép lưu hành nhưng lại được bán ở thị trường chợ đen với nhiều hình thức như rao trên mạng, trong cửa hàng truyền thống... Những sản phẩm này hầu hết được nhập khẩu qua đường xách tay, nhập lậu… không được quản lý về chất lượng, nguồn gốc.

Theo ông Trần Thành Trung, Phòng Công nghiệp thực phẩm - Cục Công Nghiệp, Bộ Công Thương, cần một hành lang pháp lý để kiểm soát thuốc lá thế hệ mới nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ông Trung cho rằng hiện nay, việc tiếp cận sản phẩm này lại rất dễ dàng do chưa có biện pháp quản lý và chế tài. Hệ lụy kéo theo là nhà nước không thu được thuế, người dân muốn sử dụng thuốc lá thế hệ mới phải tiếp cận sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát về chất lượng dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe…

Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng phương án quản lý trình Chính phủ theo hướng phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các quy định khác liên quan và chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan và phù hợp thông lệ quốc tế. Theo nghiên cứu của Bộ Công Thương, thuốc lá thế hệ mới (bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng) đều phù hợp với định nghĩa sản phẩm thuốc lá quy định tại khoản 1 điều 2 của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá 2012, do vậy thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá.

Tham khảo thông lệ quốc tế, dùng thuế để định hướng hành vi tiêu dùng

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thẩm định các văn bản luật đã khẳng định thuốc lá mới phù hợp với định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012, cần đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành.

Đại diện đến từ Bộ Tư pháp cho rằng Việt Nam cần phải có quy định để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá thế hệ mới, kiểm soát thị trường sớm nhất.

Đại diện đến từ Bộ Tư pháp cho rằng Việt Nam cần phải có quy định để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá thế hệ mới, kiểm soát thị trường sớm nhất.

Cũng theo ông Hải, để quản lý các loại thuốc lá mới này, cần có biện pháp và quy định chặt chẽ về quản lý, chẳng hạn như về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, quy chuẩn sản xuất, nhập khẩu, quy định về thu thuế, quy định về người bán, người mua… cũng như quy định về nguyên tắc kinh doanh có trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà cung cấp. Ông Hải đề nghị Chính phủ cần phải có ngay và luôn quy định để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá thế hệ mới chứ không phải là thí điểm.

Dưới góc độ đại diện ngành thuốc lá, ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng Ban Pháp chế - Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho biết: Hiện cách thức quản lý đối với nhóm sản phẩm thế hệ mới này của các quốc gia tương đối đa dạng. Nhiều nước đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý dưới luật hiện hành, một số nước cẩn trọng hơn bằng cách thí điểm trước khi cho phép kinh doanh chính thức. Hiện tại, rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới có chính sách quản lý rất chặt chẽ trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm và các sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như Mỹ, EU, Nga, Nhật, Hàn Quốc… đã xây dựng chính sách quản lý và cho phép bán các loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Đây có thể là cơ sở để các nhà làm chính sách tham khảo vận dụng trong việc xây dựng chính sách tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đề xuất: Dù thí điểm hay chính thức đều cần đưa thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để định hướng tiêu dùng, góp phần giảm việc tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Hải quan thế giới và Việt Nam xếp thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng vào cùng một phân nhóm.

Thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử cùng thuộc nhóm sản phẩm hóa hơi mà không đốt cháy, bởi vậy, hai sản phẩm có nhiều điểm tương đồng. Thứ nhất, cả hai sản phẩm này đều sử dụng thiết bị điện tử và đều hoạt động theo cơ chế làm nóng để tạo ra khí hơi (aresol) có chứa nicotin. Do không có quá trình đốt cháy như thuốc lá điếu, cả hai sản phẩm đều không có hắc ín (tar) - một trong những sản phẩm phụ chứa các thành phần gây hại của khói thuốc.

Thứ hai, cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử cùng phù hợp với định nghĩa “thuốc lá khác” được quy định tại Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Do sự tương đồng về đặc tính kỹ thuật, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đã tạo ra phân nhóm mới (24.04) cho dung dịch thuốc lá điện tử và điếu thuốc lá làm nóng, chứ không đưa vào phân nhóm 24.02 dành cho thuốc lá truyền thống. Việc thuốc lá thế hệ mới cùng được đưa vào phân nhóm riêng cũng cho thấy WCO ghi nhận sự tương đồng giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Phù hợp với hướng dẫn của WCO, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC ngày 08-06-2022 về Danh mục hàng hóa Xuất nhập khẩu 2022, qua đó cũng đã tạo ra phân nhóm mới là 24.04 cho thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

Với cơ chế hoạt động và phân loại sản phẩm như vậy, sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử nên được đưa vào quản lý dưới cùng một văn bản pháp lý, cùng thời điểm để đảm báo tính đồng bộ và bao quát, tiết kiệm chi phí cho ngân sách nước ta. Đây cũng là kinh nghiệm quản lý thuốc lá thế hệ mới của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Khuyến nghị cần cho lưu hành thuốc lá điện tử hệ thống đóng

Thuốc lá điện tử cấu thành từ 2 sản phẩm riêng biệt, là: (1) thiết bị điện tử có pin sạc, là công cụ hỗ trợ nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro bằng việc tạo ra cơ chế dùng để tạo nhiệt hóa hơi thay thế cho việc đốt cháy thuốc lá; và (2) đầu chứa dung dịch có chứa nicotine.

Thuốc lá điện tử gồm có hai loại là thuốc lá điện tử hệ thống đóng và thuốc lá điện tử hệ thống mở. Ở thuốc lá điện tử hệ thống mở, người dùng có thể tái nạp dung dịch hoặc pha trộn thêm với các loại dung dịch hoặc các chất khác.

Ở thuốc lá điện tử hệ thống đóng, chỉ có đầu dung dịch đã được pha chế và đóng gói kín theo tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất mới có thể sử dụng được cho thuốc lá điện tử hệ thống đóng. Người dùng không thể thêm bớt nồng độ, hay pha trộn thêm các loại chất khác. Do đó, chất lượng dung dịch được đảm bảo từ nhà sản xuất theo đúng quy chuẩn kỹ thuật yêu cầu. Vì vậy, tính an toàn được đảm bảo hơn rất nhiều so với thuốc lá điện tử hệ thống mở.

Do đó, các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn này, Việt Nam chỉ nên cho lưu hành  thuốc lá điện tử hệ thống đóng, để đảm bào an toàn cho người sử dụng. Điều này đang là cấp thiết vì 90% thị trường thuốc lá thế hệ mới nhập lậu là thuốc lá điện tử, gấp 9 lần so với thuốc lá làm nóng (theo dữ liệu khảo sát thị trường Việt Nam được thực hiện bởi công ty nghiên cứu thị trường Kantar năm 2022). Vào năm 2020, Bộ Y tế cũng thực hiện khảo sát điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh thành cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng tới 18 lần.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần chính sách đầy đủ và khách quan trong quản lý thuốc lá thế hệ mới

    Cần chính sách đầy đủ và khách quan trong quản lý thuốc lá thế hệ mới

    14:00, 19/04/2023

  • Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới: Nhu cầu bức thiết từ người sử dụng

    Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới: Nhu cầu bức thiết từ người sử dụng

    00:10, 13/05/2022

  • Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới nên được xây dựng như thế nào?

    Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới nên được xây dựng như thế nào?

    04:55, 12/01/2021

  • Cần có cơ chế thí điểm cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trước khi luật hoá

    Cần có cơ chế thí điểm cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trước khi luật hoá

    10:04, 12/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sớm lập khung pháp lý để kiểm soát thuốc lá thế hệ mới có trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO