Sống “mòn” bên kho báu lớn nhất Bắc Trung Bộ

Bài: TRƯƠNG KHẮC TRÀ - Ảnh: NGỌC THÁI 09/08/2022 05:57

Những lèn đá, ngọn núi thơ mộng đẹp như tranh thủy mặc, giờ chấp nhận bị đánh gục bằng thuốc nổ đến “cụt đầu”, “đứt chân”, “thủng bụng”... chờ ngày nói lời vĩnh biệt!

Vùng núi mướt mắt bắt đầu loang lỗ (Ảnh: Ngọc Thái)

Vùng núi mướt mắt bắt đầu loang lổ (Ảnh: Ngọc Thái)

>>Khoáng sản ra đi, khốn khổ nằm lại

“Mỏ thiếc Qùy Hợp” là một chỉ dẫn nổi tiếng mà bất kỳ ai đã học qua sách giáo khoa địa lý đều biết. Nhưng về với miền Tây Nghệ An hôm nay, người ta không chỉ quan tâm tới thứ kim loại ánh bạc đắt giá ấy! Mọi thứ ở đây đã vượt ra ngoài khái niệm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Sau hai vòng trải nghiệm trên tỉnh lộ 532 cả thảy 50km, chúng tôi không còn ngôn từ nào khác để đặt tên cho nó ngoài “con đường đau khổ”. Chiếc Santa Fe máy dầu đời mới 2.2 lít mạnh mẽ là thế mà cứ lặc lè chồm lên rồi bổ xuống, có lúc như muốn dừng lại; tiếng lục cục, lộp bộp dội vào khoang suốt mấy chục cây số, cung đường này không dành cho người yếu bóng vía.

Càng vào gần “kho báu khoáng sản” không khí càng u uất ngột ngạt, cái nắng trứ danh Bắc Trung Bộ và bầu khí quyển bị pha trộn bởi loại bụi siêu mịn cộng với mồ hôi nhễ ra từ da người trộn thành thứ dung dịch nhừa nhựa bám rít cơ thể rất khó chịu. Tuyệt nhiên, chúng tôi không nhìn thấy bất cứ dấu hiệu trù phú sung túc nào dọc hai bên đường.

Trên con lộ bé bỏng và quằn quại chốc chốc lại thấy tấm biển báo giao thông ghi giới hạn trọng tải tối đa 10 tấn. Dường như, ở đây luật giao thông không có hiệu lực, chẳng tài xế nào quan tâm điều đó! Một đoạn lại bắt gặp “hung thần vận tải Hổ vồ” rầm rập cõng trên thùng hàng chục tấn đá trườn qua rồi để lại cơn lốc bụi hằm hè tấp vào cây cối, phả vào nhà dân.

Con đường đau khổ dẫn vào vùng mỏ (Ảnh: Ngọc Thái)

Con đường đau khổ dẫn vào vùng mỏ (Ảnh: Ngọc Thái)

Thật khó tin, tỉnh lộ 532 thuộc hàng cụ kỵ, tròn nửa thế kỷ gồng gánh vận tải tài nguyên, kết nối giao thương kinh tế một phần huyện Qùy Hợp nhưng chưa một lần được sửa chữa, nâng cấp. Tính mạng và sức khỏe người dân ở đâu trong các chương trình nghị sự?

Tất yếu thôi, hạ tầng là tấm gương phản chiếu chính xác nhất trình độ phát triển, hiển hiện ở đây chứ không phải trên bản báo cáo mượt mà thường nghe trong phòng lạnh. Điều này không khỏi làm chúng tôi tự vấn: Bao nhiêu năm móc lòng đất lấy thiếc, bạt núi khai thác đá bán lấy tiền, chẳng nhẽ cứ hát mãi điệp khúc “thiếu ngân sách”?

Công cuộc xẻ núi, khoét đất ở xã Châu Hồng - Qùy Hợp thật sự khiến người không quen cảm thấy choáng ngợp. Những lèn đá, ngọn núi thơ mộng đẹp như tranh thủy mặc đã ngồi đấy hàng nghìn năm, chứng kiến bao cuộc bể dâu lịch sử giờ chấp nhận bị “ám sát” bằng thuốc nổ đến “cụt đầu”, “đứt chân”, “thủng bụng” chờ ngày nói lời vĩnh biệt.

Từ tiếng kêu rên xiết của mẹ thiên nhiên, từ vết thương đớn đau do đá núi trào ra - rồi loài người tham lam ngạo ngược tự huyễn hoặc mặc định gọi nó là “món quà thiên nhiên ban tặng”. Không thể tưởng tượng nổi sau khi san hết núi, chặt hết cây rồi khung cảnh nơi đây sẽ ra sao - sẽ chỉ còn “cánh đồng đá phảng phất mùi thuốc nổ” nhở nham lạnh lẽo?

Một điểm chế biến sau khi xẻ núi (Ảnh: Ngọc Thái)

Một điểm chế biến sau khi xẻ núi (Ảnh: Ngọc Thái)

Cuộc sống dọc con đường 532 thuộc xã Châu Tiến - Qùy Hợp diễn ra lặng lẽ, ban ngày nhưng cửa đóng then cài. Hiếm hoi lắm chúng tôi mới tìm thấy người dân - anh Bùi Văn Bình, người chỉ cho chúng tôi hiện trường sắp nổ mìn cách nhà anh khoảng 200m, đó là một triền núi dựng đứng bắt đầu từ mép tỉnh lộ.

Sau mỗi vụ nổ long trời lở đất, đá núi ào ào chảy xuống, có khi nghe lóc cóc, rào rạo trên mái tôn, tràn ra lòng đường chắn hết lối đi - anh Bình giật thót nhớ lại và không quên rủ chúng tôi nán lại đến 11h30 để chứng kiến cảnh mìn nổ trên đỉnh núi.

Chuyện hiểm nguy ở bãi nổ không còn là “nhỡ…may”, cách đây vài năm đã có vụ tai nạn chết người do đất đá từ trên trời rơi xuống. Thương vong về người và của do thiếu an toàn lao động không chỉ dừng lại ở đó, gần nhất là hiện tượng sụt lún đất nền, nứt nẻ tường nhà kinh hoàng vốn chưa có tiền lệ!

Lại một ngôi nhà oan ức tọa lạc giữa ngã ba đường - nơi hứng chịu bão bụi ngày lẫn đêm do hai làn xe siêu trường siêu trọng chở tài nguyên đi khỏi núi. Trong ngôi nhà này, anh Nguyễn Văn Trung đang hành nghề sửa chữa xe máy.

Quang cảnh trắng đục vì bụi, chiếc xe máy dựng bên góc nhà mới ba hôm đã bị phủ bởi lớp bụi vài milimet, bàn ghế, ấm chén uống nước đóng váng đến rợn người. Anh Trung tỏ vẻ bất lực và chúng tôi không hỏi gì thêm cũng chẳng thể ngồi lâu vì sợ!

Cuối cùng tất cả còn lại là như thế này (Ảnh: Ngọc Thái)

Cuối cùng tất cả còn lại là như thế này! (Ảnh: Ngọc Thái)

Một nhân chứng cuối cùng kịp gửi gắm cho chúng tôi vài lời ngắn gọn mà không quên yêu cầu dấu danh tín: “Mìn nổ rung chuyển, bụi ngập lốp xe, sau cơn mưa lớn đường đi như lòng suối, quanh năm suốt tháng chẳng dám mở cửa nhà”.

Nỗi ám ảnh chung sống với bụi mịn do khai thác khoáng sản - chúng làm rũ rượi cây cối, tiêu điều nhà cửa, khiến lòng người buồn bã đến chai sạn. Nhiều loại tai họa đến từ muôn phía, có những bệnh tật báo trước nhưng không biết làm sao để thoát nạn.

Vì đâu danh xưng “Việt Nam rừng vàng biển bạc” một thời nay là chủ đề tranh cãi. Có lẽ, lát cắt sơ bộ vùng mỏ Qùy Hợp phần nào cho thấy tính bất cập chính sách về khai thác và bảo tồn của cải cho con cháu mai sau!

Còn tiếp…

Có thể bạn quan tâm

  • Huyện Qùy Hợp (Nghệ An) bác bỏ kết luận nguyên nhân gây sụt lún

    Huyện Qùy Hợp (Nghệ An) bác bỏ kết luận nguyên nhân gây sụt lún

    08:27, 03/08/2022

  • Nghệ An: Vẫn chưa rõ nguyên nhân sụt nước ngầm ở “thủ phủ” khoáng sản

    Nghệ An: Vẫn chưa rõ nguyên nhân sụt nước ngầm ở “thủ phủ” khoáng sản

    20:17, 01/08/2022

  • Nghệ An: “Nhộm nhoạm” khai thác cát, sỏi trên sông Lam

    Nghệ An: “Nhộm nhoạm” khai thác cát, sỏi trên sông Lam

    00:15, 28/07/2022

  • Nghệ An: “Siết chặt” quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

    Nghệ An: “Siết chặt” quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

    00:06, 19/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sống “mòn” bên kho báu lớn nhất Bắc Trung Bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO