Chính trị

Sóng ngầm tại Biển Đông: Việt Nam kiên định lập trường chủ quyền

Nguyễn Thu Hà 04/05/2025 10:46

Khi thế giới dồn sự chú ý vào xung đột Ukraine, tình hình Trung Đông và căng thẳng thương mại giữa các cường quốc, thì Biển Đông lại chứng kiến những diễn biến phức tạp.

Theo đó, trong nửa cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2025, khu vực đá Hoài Ân (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trở thành tâm điểm của những động thái leo thang đến từ cả Trung Quốc lẫn Philippines.

Ngày 25/4, tờ South China Morning Post đưa tin truyền thông Trung Quốc vừa đăng tải hình ảnh lực lượng Hải cảnh nước này (CCG) đã đổ bộ lên đá Hoài Ân ở quần đảo Trường Sa. Hình ảnh CCG giương cờ và tuyên bố thực thi "quyền tài phán chủ quyền" tại đây đã khiến dư luận khu vực và quốc tế không khỏi lo ngại. Chỉ ba ngày sau, ngày 28/4, Philippines cũng công bố hình ảnh lực lượng của mình có mặt trên cùng khu vực.

Không dừng lại ở đá Hoài Ân, Trung Quốc tiếp tục gia tăng hiện diện quân sự tại Biển Đông khi điều động nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông vào khu vực từ ngày 23/4. Đồng thời, Bắc Kinh cáo buộc tàu chiến BRP Apolinario Mabini của Hải quân Philippines "xâm nhập bất hợp pháp" vào khu vực bãi cạn Scarborough và sau đó điều lực lượng xua đuổi.

Ảnh màn hình 2025-05-04 lúc 10.44.48
Vị trí đá Hoài Ân thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồ họa: CSIS

Hành động này cho thấy rõ chiến lược "từng bước áp đặt thực tế" của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây được cho là một phần trong chiến lược chống tiếp cận, phong tỏa (A2/AD) mà Bắc Kinh theo đuổi nhằm giới hạn ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh ở Thái Bình Dương.

Trước sự gia tăng áp lực từ phía Trung Quốc, Mỹ và Philippines không đứng ngoài cuộc. Cuộc tập trận thường niên Balikatan 2025, diễn ra từ ngày 21/4 đến 9/5, là minh chứng rõ nét cho quyết tâm tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước. Đáng chú ý, trong tập trận này, Mỹ triển khai nhiều loại vũ khí hiện đại như hệ thống tên lửa chống hạm NMESIS và pháo phản lực cơ động cao HIMARS - những khí tài có khả năng tấn công chính xác cao từ xa, thích hợp cho môi trường chiến lược như Biển Đông.

Trước các diễn biến phức tạp trên thực địa, ngày 3/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tuyên bố mạnh mẽ về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, trong đó có đá Hoài Ân, đá Tri Lễ và đá Cái Vung.

"Việc các bên liên quan cho người lên thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam là hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng hành động trên của các bên liên quan "làm phức tạp thêm tình hình, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiện nay".

Việt Nam không chỉ phản đối bằng lời nói mà còn có hành động cụ thể khi "giao thiệp và trao công hàm phản đối" tới các quốc gia liên quan. Lập trường của Việt Nam nhất quán: giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Biển Đông không chỉ là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, mà còn là nơi các cường quốc khu vực và thế giới phô diễn sức mạnh, thử thách ý chí và chiến lược của nhau. Trung Quốc muốn mở rộng không gian ảnh hưởng; Mỹ muốn duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; các quốc gia ASEAN thì mong muốn hòa bình, ổn định để phát triển.

Trong ván cờ ấy, việc các bên cùng gia tăng hiện diện quân sự, tuyên bố chủ quyền, và tập trận dễ tạo ra những tính toán sai lầm, đẩy khu vực vào vòng xoáy xung đột không mong muốn. Khi một bên khẳng định chủ quyền bằng cách đưa quân, thì bên kia sẽ đáp trả bằng hành động tương tự. Vòng xoáy này, nếu không được kiểm soát, có thể dẫn đến sự cố ngoài ý muốn, gây căng thẳng khu vực và làm gián đoạn hòa bình biển Đông, tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới.

Những diễn biến tại đá Hoài Ân gần đây không phải là sự kiện đơn lẻ, mà là một phần trong bức tranh cạnh tranh quyền lực ngày càng rõ nét giữa các bên. Tin rằng, sự kiên định, khôn khéo trong ngoại giao, cùng với năng lực quốc phòng vững chắc và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế sẽ là những trụ cột giúp Việt Nam giữ vững chủ quyền và đóng vai trò trung tâm trong việc gìn giữ an ninh khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sóng ngầm tại Biển Đông: Việt Nam kiên định lập trường chủ quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO