Suy cho cùng “cò” đất chỉ là tầng lớp dưới kiếm cơm qua ngày, những nhà đầu tư, đầu cơ sừng sỏ ăn chặt bám cố vào chính sách mới là gốc gác của vấn đề.
Đang tám chuyện buổi sớm trong quán cà phê trước khi vào công sở, chiếc điện thoại trong túi anh bạn ngồi đối diện đổ chuông liên tục, có khi chỉ là câu trả lời ngắn gọn “năm trăm, bảy trăm, bớt vài “chai”…”, có lúc lặng lẽ ra ngoài mấy phút nói gì đó có vẻ bí hiểm. Anh là một công chức kiêm nghề tay trái “cò” đất.
Dọc tỉnh lộ 770 nối Quốc lộ 56 với Quốc lộ 51 chạy ngang qua mấy xã thuộc vùng lõi dự án Sân bay Long Thành (Đồng Nai), trên thân cây cao su ven đường chi chít những pano quảng cáo “đất nền gần Sân bay giá rẻ”, để giá 300 triệu đồng/nền, không rõ diện tích bao nhiêu!?
Bốc máy gọi thử, đầu dây bên kia chỉ dẫn đến giao dịch trực tiếp với văn phòng đóng cách đó mấy chục cây số. Đến văn phòng, được nhân viên công ty “giải ngố”, cái giá 300 triệu chỉ là ½ nền, tức là 4 hay 5m ngang tùy vị trí. Lại là chiêu “báo giá một phần” của những tay môi giới.
Mở tấm ảnh chụp biển quảng cáo kia cho cô nhân viên xem, cô ta mặt không biến sắc, một lát sau mới gọn lỏn, tụi em chỉ tư vấn (cò?) còn mua đứt bán đoạn phải lên tận đầu mối trên TP Hồ Chí Minh!
Có thể bạn quan tâm |
Vùng đất giải tỏa trắng để xây Sân bay Long Thành vốn là rừng cao su và khu dân cư thưa thớt. Từ khi dự án Sân bay “bốc mùi thơm” giá đất bắt đầu “loạn”, toàn người tận đẩu tận đâu đổ về thu mua, kéo theo đội ngũ cò mồi dưới vỏ bọc tư vấn bất động sản. Sau khi khách hàng bị “tư vấn” đến loạn não, cái giá phải trả đội lên gấp nhiều lần so với giá trị thực của mảnh đất.
Tình hình ở Long Thành có vẻ tạm lắng sau một thời gian “sốt” dữ dội, cũng có thể mọi thứ đã ngã ngũ? Môtíp “thổi” giá đất giờ chuyển ra Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) khi có thông tin những địa danh này sẽ là đặc khu hành chính - kinh tế trong nay mai.
Ngày 18/4, tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Không để cò đất, xã hội đen lộng hành ở đặc khu”. Tuy nhiên, nhiều báo đài đã phản ánh, ở Phú Quốc “cò” đất đông như quân Nguyên, từ anh công nhân, bác xe ôm, chị bán nước đều có thể làm giao liên khách hàng với bất động sản.
Nghề “cò” đất không xấu, nhưng mối lo là họ thường “bánh vẽ” quá đà về độ hấp dẫn của dự án và “thổi” giá lên cao để hưởng nhiều hoa hồng, gây “bong bóng” thị trường bất động sản. Một khi vỡ “bong bóng” người thiệt hại đầu tiên là khách hàng, tiếp đó là chủ đất, vì hám tiền mà bán hết tư liệu sản xuất, chỉ có đội ngũ “cò” có cơm nhờ nước bọt.
Một trong những chiêu PR phổ biến nhất của “cò” đất là tự tạo “sốt”, đáng nói cách làm này rất giống với… Apple làm “nóng” thị trường mỗi khi ra sản phẩm mới. “Cò” huy động nhiều tay chân cùng đến xem một mảnh đất với khách hàng thật, mỗi người trả một giá, người sau luôn trả cao hơn người trước, cứ thế cho đến khi “cò cái” giả vờ chịu giá cho người cao nhất, tiền cọc được đặt ngay tại chỗ.
Thế mới có chuyện thị trường bất động sản Việt Nam cứ sình lên xẹp xuống theo chu kỳ. Để cứu bất động sản, ngân hàng phải giải ngân cả đống tiền, mà thực ra là cứu những con nợ thoát chết.
Khi ngân hàng khát vốn, lại huy động với lãi suất cao, người dân đua nhau gửi tiền và dòng tiền tiếp tục đổ vào bất động sản. Một khi không cứu được thị trường bất động sản thì điểm dừng thiệt hại cuối cùng là người gửi tiền cho ngân hàng. Vì bản thân ngân hàng không có tiền mà chỉ kinh doanh trên dòng tiền.
Đảo ngọc Phú Quốc bị băm nát, Vân Đồn và Bắc vịnh Vân Phong đang trên đà. Suy cho cùng “cò” đất chỉ là tầng lớp dưới kiếm cơm qua ngày, những nhà đầu tư, đầu cơ sừng sỏ ăn chặt bám cố vào chính sách mới là gốc gác của vấn đề.
Liệu cơ quan chức năng có kìm được vấn nạn “sốt” đất?