Ước mơ của nhiều bạn trẻ là khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó không dễ.
Nghiêm Tiến Viễn và Phạm Ngọc Anh Tùng - 2 start-up Việt tiêu biểu năm 2020 - chia sẻ về quá trình thắp sáng và nuôi dưỡng ước mơ của mình.
Khởi nghiệp từ năm thứ nhất
Sẵn niềm đam mê công nghệ nên ngay từ khi là sinh viên năm nhất (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Nghiêm Tiến Viễn đã nuôi dưỡng khát khao khởi nghiệp với sản phẩm đầu tay là “Upanh.com”, website chia sẻ hình ảnh dành cho người Việt Nam. Dự án này nhanh chóng trở thành trang chia sẻ hình ảnh lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.
Sau sự xuất hiện của Flickr và Facebook, “Upanh.com” không còn giữ được vị thế và kết thúc dự án sau 5 năm hoạt động, Nghiêm Tiến Viễn tham gia vào một công ty chuyên về streaming video, cách hoạt động tương tự YouTube. Dự án này cũng phải dừng chân sau 3 năm hoạt động do sự cạnh tranh từ nhiều dịch vụ tương tự.
Sau những dự án đầu đời, Viễn tiếp tục xây dựng hành trình mới. Tốt nghiệp đại học, từ chối nhiều công ty lớn với mức lương “khủng”, Viễn chọn quê hương Nghệ An làm nơi khởi nghiệp.
Theo Viễn, việc chọn Nghệ An, ngoài yếu tố chủ quan là gần gia đình còn có những yếu tố khách quan như, chi phí rẻ hơn nhiều so với các thành phố lớn, rất phù hợp để thành lập công ty ở giai đoạn đầu.
Năm 2017, Công ty Cổ phần Công nghệ GoStream được thành lập nhằm cung cấp công cụ livestream hỗ trợ công việc kinh doanh online. Ở thời điểm xây dựng GoStream, Viễn và đội ngũ vấp phải không ít khó khăn như nguồn vốn ít, nhân sự mỏng và kinh nghiệm chưa có. Ở thời điểm đó, 3 nhà sáng lập còn không được nhận lương và phải làm việc ở bên ngoài để có thêm thu nhập.
“Nhóm vừa phát triển sản phẩm, vừa chăm sóc khách hàng và nhận phản hồi, sửa lỗi ngay lập tức vì sản phẩm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của khách hàng. Có những lúc đang ăn hay ngủ cũng phải dậy để sửa lỗi hệ thống, nhưng nhờ những kinh nghiệm đó, nhóm mới có thể hoàn thiện sản phẩm và được khách hàng tin dùng ngày càng nhiều”, Viễn nói.
Sau những khó khăn ban đầu, hiện tại, GoStream có bước tiến vững chắc với hơn 700 nghìn người dùng. Năm 2019, GoStream được Facebook đưa vào danh sách 1 trong 30 nền tảng được sử dụng để livestream nhiều nhất trong 30 ngày trên thế giới. GoStream cũng cung cấp dịch vụ thành công ra các thị trường nước ngoài như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Ả-rập Xê-út...
Theo Nghiêm Tiến Viễn, start-up không phải là màu hồng và đòi hỏi các bạn trẻ phải có suy nghĩ táo bạo, chấp nhận sai lầm, vấp ngã để có những đột phá mới trong công việc cũng như cuộc sống. Những bạn trẻ, nhà khởi nghiệp trong tương lai hãy cứ cho mình được sai lầm, mạnh dạn sai lầm và sai lầm càng nhanh càng tốt để mình không gặp phải sai lầm đấy trong tương lai.
Chuyên gia nông nghiệp
Phạm Ngọc Anh Tùng là cái tên không lạ với giới công nghệ Việt Nam. Trong những năm học tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM, anh được thầy cô và bạn bè đặt cho biệt hiệu là “chàng trai robot”. Tùng từng thực hiện khá nhiều sản phẩm robot mang tính ứng dụng cao như robot giáo dục; phối hợp cùng nhiều công ty thực hiện các mô hình như cửa cuốn tự động, máy chấm công, máy quét thẻ giữ xe thông minh.
Bẵng đi ít năm, bỗng thấy Tùng xuất hiện với diện mạo khác lạ, nhà sáng lập Công ty khởi nghiệp FoodMap chuyên về đặc sản Việt Nam. Ra đời gần 2 năm, sàn giao dịch nông sản FoodMap đã liên kết với hơn 300 nhà sản xuất, người nông dân; đồng thời phục vụ hơn 10 nghìn lượt khách hàng, tốc độ phát triển 20% mỗi tháng.
Phạm Ngọc Anh Tùng chia sẻ: Trong những năm làm nông nghiệp, câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất từ gia đình, bạn bè là mua cái này có tốt không, thương hiệu nào uy tín, liệu có an toàn không và mua ở đâu thì đáng tin cậy. Đây có lẽ cũng là câu hỏi phổ biến nhất của những người tiêu dùng hiện nay về thực phẩm.
“FoodMap có những tiêu chí rõ ràng như sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận uy tín đối với doanh nghiệp lớn. Với các nông hộ nhỏ, FoodMap trực tiếp xem xét các điều kiện bằng đội ngũ đánh giá độc lập, và từ phản hồi tích cực của khách hàng. Chúng tôi muốn FoodMap tuy là một công ty công nghệ nhưng tiếp cận và giải quyết các vấn đề về nông nghiệp dưới góc nhìn của người nông dân và nhà sản xuất”, Tùng nói.
Tham vọng của Tùng là đưa nông sản Việt Nam vượt qua cái bóng “xuất khẩu nhiều sản phẩm thô” sang xuất khẩu những sản phẩm nông sản có “thương hiệu, giá trị cao”. Để làm được điều này, Tùng hướng đến việc đưa các sản phẩm nông sản đã được chứng nhận bảo đảm chất lượng lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, FoodMap hoạt động hiệu quả với tỷ lệ khách hàng mua hàng online tăng đột biến. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy FoodMap đang đi đúng hướng.
Mới đây, với sự hỗ trợ tài chính từ quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners, FoodMap có điều kiện đầu tư mạnh mẽ hơn về các nền tảng công nghệ, xây dựng hệ thống phân phối và phát triển thị trường bán lẻ... để hướng tới mục tiêu lâu dài, FoodMap sẽ trở thành nhà xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam.
Khởi nghiệp không phải dành cho số đông mà cho những người phù hợp. Với các bạn sinh viên đó là lợi thế vì trong nhà trường được hun đúc một tinh thần khởi nghiệp rất sâu rộng, lan tỏa. Nếu muốn khởi nghiệp ,các bạn trẻ cần tập trung 100% sức lực và trí lực của mình để thực hiện, sẵn sàng chấp nhận thất bại, hướng tới thành công.
https://giaoducthoidai.vn/tre/start-up-viet-tieu-bieu-nam-2020-sai-lam-de-tranh-vap-nga-kncQQWlMR.html