Startup Phygital Labs sử dụng công nghệ vật lý số làm cầu nối đưa các cổ vật đến với thế giới số, hỗ trợ trong công tác số hóa, lữu trữ, phát huy giá trị cổ vật.
Startup Phygital Labs được thành lập bởi 2 nhà lãnh đạo trẻ đến từ thung lũng Silicon với mục tiêu kiến tạo thế giới vật lý số để nâng tầm giá trị thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế qua giải pháp Định Danh Số Nomion cùng hệ sinh thái thư viện số, bảo tàng số và chợ số (Marketplace)…
Sản phẩm lõi của Phygital Labs là Nomion - định danh số vạn vật, là giải pháp toàn diện, tạo ra một danh tính số duy nhất cho mỗi sản phẩm vật lý bằng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification - nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) và Blockchain, đảm bảo tính minh bạch, độc bản của sản phẩm trên cả không gian thực và số.
Từ đó có thể ứng dụng công nghệ LiDAR (Light Detection And Ranging - công nghệ quét và đo tia sáng hồng ngoại) và VR/AR (thực tế ảo, thực tế tăng cường) để đưa các sản phẩm vật lý lên môi trường số, góp phần gia tăng giá trị và trở thành mảnh ghép quan trọng của nền kinh tế số.
Theo ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập kiêm điều hành Phygital Labs từng chia sẻ, giới trẻ hiện nay dành phần lớn thời gian trên không gian số, nhiều hình thái kinh tế xã hội bước vào khai thác không gian mạng, từng bước chạm vào những giá trị mới. Điều này không chỉ do thế giới thực đã đạt đến ngưỡng giới hạn, bão hòa, khó tạo ra được nhiều giá trị đột biến mà còn do tính sáng tạo, khát vọng khai phá của con người.
Do đó, vật lý số sẽ là cánh cổng kết nối thế giới thực và thế giới số, là nơi hai thế giới hội tụ và tồn tại song song. Đây sẽ là một dòng doanh thu hoàn toàn mới, tái định hình những chuẩn mực truyền thống và kiến tạo nền kinh tế số đầy tiềm năng.
Tại Việt Nam, Phygital Labs đã tiếp cận và đưa ứng dụng của mình đến với các sản phẩm về thời trang như Ortho, sản phẩm nông nghiệp như Cà phê Le J’, The Hồ Tiêu, thủ công mỹ nghệ như Đá mỹ nghệ Non Nước, Bảo tàng di tích Cố Đô Huế, Linh vật Nghê Văn Miếu - Quốc Tử Giám… để định danh số, đưa lên bảo tàng số sau đó dùng để phục vụ giáo dục, quảng bá, triển lãm và thương mại sản phẩm. Ví dụ, với bảo tàng trên không gian số, khách hàng có thể xem xét từng loại sản phẩm gốm điêu khắc được định danh số, có thể tìm hiểu nguồn gốc, lịch sử, từng câu chuyện văn hoá gắn với sản phẩm này. Khách hàng có thể mua sản phẩm mà không phải lo lắng về thương hiệu, chất lượng hay sự minh bạch của sản phẩm.
Startup công nghệ này đã góp phần giải quyết bài toán sở hữu trí tuệ bằng cách chứng thực tài sản sáng tạo các thiết kế sàn trình diễn thời trang, sử dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification. Nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) để tạo cầu nối 1-1 giữa sản phẩm vật lý và phiên bản số, đồng thời kết hợp ứng dụng Blockchain (công nghệ chuỗi khối) để tạo ra danh tính số duy nhất cho từng vật phẩm trên thế giới số và chứng nhận bởi mạng lưới Blockchain.
Startup Phygital Labs đã thể hiện tầm nhìn ở kỷ nguyên công nghệ trong ứng dụng công nghệ vào lưu trữ và lan tỏa sản phẩm sáng tạo trong tương lai, định hình một hướng khai thác hoàn toàn mới cho cộng đồng trên không gian số, nơi chúng ta có thể lưu giữ thông tin vĩnh cửu, độc bản và có thể tiếp cận mọi lúc mọi nơi. Do đó, không chỉ mang lại trải nghiệm tương tác thực tế ảo cho các không gian triển lãm trên metaverse, các sản phẩm đã được định danh còn có thể tự nâng cao giá trị khi tham gia vào dòng chảy của “thương mại số”. Tất cả đều được diễn ra nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện và đầy cảm hứng.
Mục tiêu ra đời của Phygital Labs là quảng bá mạnh mẽ văn hóa Việt Nam ra toàn cầu và khai thác tiềm năng kinh tế số từ di sản.
Có thể bạn quan tâm