Phí ship tăng cao khiến nhiều khách, chủ nhà hàng xứ củ sâm không hài lòng. Trong khi đó, các ứng dụng đau đầu cạnh tranh còn tài xế phải chịu điều kiện làm việc khắc nghiệt.
>>Startup giao đồ ăn Wolt có gì đặc biệt?
Khi các ứng dụng giao đồ ăn lần đầu xuất hiện ở Hàn Quốc, chúng được ca ngợi như một hình thức kinh doanh mới đem lại sự tiện lợi cho cuộc sống hàng ngày. Chỉ với vài thao tác, các tín đồ ẩm thực đã có thể thưởng thức hàng loạt món ăn được giao đến tận nhà, theo Korea Herald.
Các nhà hàng nhỏ cũng có thể tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Một số người có công việc mới là tài xế giao hàng. Các công ty khởi nghiệp về lĩnh vực này được thị trường vốn ưu ái, nhận những khoản đầu tư khổng lồ.
Nhưng sau một thập kỷ chung sống với Baedal Minjok, Yogiyo và gần đây là Coupang Eats, nhiều người đặt câu hỏi liệu những ứng dụng này có thực sự cải thiện điều gì hay không.
Kim Seung-june (32 tuổi) là một trong những người nghi ngờ như vậy sau trải nghiệm gần đây. Để chuẩn bị cho bữa tiệc tân gia, anh đặt gà rán và thịt lợn luộc ở hai nhà hàng khác nhau qua ứng dụng Baedal Minjok. Tổng tiền cho hai món là 50.000 won (38,16 USD) nhưng phí giao hàng mất tới 1/5 con số đó: 10.000 won.
"Cuối cùng, tôi tự đến nhà hàng để mua đồ ăn. Tôi biết phí giao hàng đã tăng cao nhưng như vậy là quá nhiều", anh nói.
Các cuộc khảo sát cho thấy nhiều khách hàng mất hứng ăn uống sau khi chọn giao đồ ăn cũng có lý do tương tự.
Một cuộc thăm dò do Seoul Institute thực hiện vào tháng 3 cũng cho thấy khoảng 52% người dân Seoul không sử dụng dịch vụ giao hàng trong quý đầu năm nay do giá đồ ăn và phí ship tăng cao.
Chi phí giao đồ ăn trung bình ở Seoul trong tháng 5 đã tăng khoảng 12% so với tháng 3, theo dữ liệu từ Hội đồng các tổ chức người tiêu dùng quốc gia Hàn Quốc. Chi phí giao một bữa ăn cho một người cũng tăng hơn 40%.
Các chủ nhà hàng cũng đang phàn nàn về việc tăng phí hoa hồng phải trả cho các đơn nhận được qua nền tảng giao hàng.
>>Startup giao đồ ăn nhận 575 triệu USD vốn đầu tư của Amazon khiến chính phủ Anh dè chừng là ai?
>>Bí quyết khởi nghiệp thành công của thanh niên giao đồ ăn
"Tỷ suất lợi nhuận bán qua ứng dụng giao hàng nhỏ. Các đơn đặt hàng cho phần ăn một người hầu như không có lãi", Kim Sung-hwan, người điều hành một nhà hàng ở quận Mapo, Seoul, nói và cho biết sẽ dừng bán qua ứng dụng giao đồ ăn nếu có đủ lượng khách đặt trực tiếp với nhà hàng.
Oh Eung-kyung, bắt đầu kinh doanh quán cà phê bánh ngọt ở quận Seongbuk vào tháng 11/2021, cho hay 1/3 số tiền khách thanh toán qua ứng dụng giao hàng sẽ được chuyển đến các nền tảng dưới danh nghĩa các khoản phí khác nhau, ví dụ như phí quảng cáo và đăng ký.
"Trong 3 tháng đầu, tôi chỉ lấy khách 2.000 won cho mỗi lần giao hàng. Cùng với đó, lợi nhuận thu được không đủ cho những gì tôi bỏ ra", Oh nói và cho biết thêm cô tự đi giao hàng đối với các đơn ở gần quán để tiết kiệm chi phí.
Số tiền ship khách phải trả không phải là toàn bộ chi phí thuê tài xế để thực hiện giao đơn. Các chủ nhà hàng thường gánh một phần phí ship để thu hút nhiều khách hơn, ngoài việc trả hoa hồng cho nền tảng.
Woowa Brothers, nhà vận hành Baedal Minjok, đạt doanh thu 2 nghìn tỷ won vào năm 2021, gần gấp đôi so với một năm trước đó khi đại dịch Covid-19 kéo dài thúc đẩy nhu cầu giao thực phẩm. Tuy nhiên, khoản lỗ hoạt động của công ty cũng tăng gần gấp 7 lần, lên 75,7 tỷ won so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Coupang Eats ghi nhận khoản lỗ hoạt động 3,5 tỷ won vào năm 2021. Yogiyo chưa công bố doanh thu song cơ cấu lợi nhuận cũng không khác nhiều so với các đối thủ.
Thị trường giao thực phẩm phát triển nhanh chóng ở xứ củ sâm kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo Statistics Korea, ngành này được định giá 25,7 nghìn tỷ won vào năm 2021, cao hơn 2,6 lần so với năm 2019.
Baedal Minjok giải thích việc thua lỗ là kết quả của việc thuê ngoài (outsourcing), chủ yếu là chi phí công ty phải trả cho các bên giao hàng. Ứng dụng này đã chi khoảng 574 tỷ won cho các dịch vụ thuê ngoài vào năm 2021, tăng mạnh so với 181 tỷ won vào năm 2020.
Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng cạnh tranh giữa các nền tảng cũng góp phần tạo ra vòng luẩn quẩn.
Về phía các tài xế, sự gia tăng các ứng dụng giao đồ ăn khiến tiền lương và điều kiện làm việc của họ được cải thiện song cũng còn nhiều bất mãn.
Từ lâu, công đoàn đã cho rằng nhân viên giao hàng là một trong những nhóm lao động ít được bảo vệ nhất trong nền kinh tế hiện nay. Họ chủ yếu làm việc với tư cách nhân viên hợp đồng, bán thời gian, không có hoặc được hưởng rất ít lợi nhuận liên quan đến công việc mà người lao động thường được nhận.
Các cuộc biểu tình, đình công của nhóm này đã dấy lên cuộc thảo luận ở Hàn Quốc về các điều kiện cho người lao động bán thời gian.
Sau thời gian dài tranh cãi về điều kiện làm việc, ví dụ như không có bảo hiểm cho tai nạn giao thông, Baedal Minjok và Coupang Eats đã quyết định thuê các nhân viên giao hàng toàn thời gian.
Gần nhất, đại diện nhóm lao động này còn đề nghị các tài xế nên được trả lương cao hơn.
Có thể bạn quan tâm