Lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ về số lượng startup "Kỳ lân" - tức là được định giá từ 1 tỷ USD.
Theo Danh sách "Kỳ lân Toàn cầu 2019" do Viện Nghiên cứu Hurun công bố, trong tổng số 494 "kỳ lân" được thành lập vào những năm 2000 nhưng chưa niêm yết tính tới ngày 30/6/2019, Trung Quốc có 206 công ty, so với 203 công ty của Mỹ, theo sau là Ấn Độ, Anh và Đức.
Đồng thời, Trung Quốc cũng sở hữu 3 công ty "kỳ lân" có giá trị nhất thế giới (tổng giá trị 280 tỷ USD) gồm chi nhánh Ant Financial của Tập đoàn Alibaba, nhà sản xuất ứng dụng ByteDance và công ty vận tải Didi Chuxing.
Có thể bạn quan tâm
08:23, 21/10/2019
06:39, 21/10/2019
05:11, 18/10/2019
04:25, 17/10/2019
Trung Quốc và Mỹ chiếm hơn 80% số lượng startup "kỳ lân" được biết đến trên thế giới. Trong báo cáo của Hurun nổi bật là cách mà các startup trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính ở Trung Quốc thay đổi thói quen mua sắm, du lịch, giải trí và đầu tư của người dân nước này
"Phần lớn là các startup nhỏ trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đang gia tăng đáng kể và có thể dễ dàng cạnh tranh với các công ty ở Thung lũng Silicon", Paul Haswell, cố vấn hãng luật quốc tế Pinsent Masons, nhận định.
Trong khi các startup Trung Quốc nhận khoản đầu tư mạo hiểm đầu tiên đến khi tiến hành IPO chỉ khoảng 3 đến 5 năm, thì với các startup Mỹ, thời gian trung bình là 10 năm.
Đáng chú ý, riêng năm 2018, khoảng 100 startup công nghệ tại Trung Quốc đã trở thành "kỳ lân". Để có được kết quả này là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu hẹp khoảng cách với Mỹ. "Kỳ lân" đã giúp Trung Quốc lọt vào top có nhiều công ty sáng tạo nhất thế giới, bất chấp căng thẳng thương mại.
Cùng với đó, dự án “Made in China 2025 tập trung phát triển các ngành sản xuất như công nghệ tin học thế hệ mới, robot, thiết bị hàng không vũ trụ...lấy đổi mới sáng tạo làm động lực, chuyển đổi thông minh, củng cố cơ sở, tạo đột phá trong các ngành quan trọng đã tạo điều kiện cho các startup trong lĩnh vực công nghệ có môi trường phát triển.
Đồng thời, Bắc Kinh cũng đã tăng cường chi tiêu để nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp với hy vọng rằng sự gia tăng tài chính sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại.
Nhờ đó, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã chứng kiến đà phát triển của một loạt các doanh nghiệp trong vòng 4-5 năm. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, sự bùng nổ startup công nghệ tại Trung Quốc đang có chiều hướng chững lại. đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt những thách thức lớn nhất.
Cuộc chiến thương mại và các lệnh cấm vận từ Mỹ đang làm tổn thương các startup công nghệ Trung Quốc, đồng thời làm khoảng cách giữa năng lực công nghệ của Trung Quốc và Mỹ trở nên rõ ràng hơn.
Wu Sikang, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển tại đặc khu Thâm Quyến nhận định, Trung Quốc vẫn chưa mạnh trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Bên cạnh đó, cơ hội giao lưu và hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng thế giới còn hạn chế. Chính vì vậy, rất ít startup Trung Quốc quan tâm đến việc đào sâu nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để cho ra các sản phẩm hàng đầu.
Không những vậy, các nhà đầu tư đã bắt đầu gặp khó khăn. Việc biến mất của nguồn quỹ được nhà nước hậu thuẫn đã diễn ra sau khi những công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ lựa chọn cách tiếp cận thận trọng hơn. Các nhà đầu tư cũng yêu cầu nhiều startup nằm trong danh mục đầu tư của họ chứng minh rằng mình có mô hình hoặc chiến lược kinh doanh có thể sinh lợi.
Mặc dù vậy, lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và logistics vẫn đang được xem là "chìa khóa" của tương lai. Hiện tại, các startup "kỳ lân" mới chỉ có mặt tại 24 quốc gia trên thế giới. Nguồn vốn và nhân lực trẻ ở nhiều quốc gia vẫn khao khát tham gia thị trường đầy tiềm năng này.
Do đó, không chỉ Mỹ và Trung Quốc, đây vẫn là cơ hội để các nước mới nổi thúc đẩy sự phát triển khởi nghiệp, gia tăng động lực phát triển kinh tế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường.