Sử dụng công nghệ để quản lý công nghệ

YẾN NHUNG 05/06/2024 08:44

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề của công nghệ là dùng công nghệ quản lý.

Sáng 5/6, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương và sau đó sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

>> Quản lý thương mại điện tử đối với hoạt động xuất nhập khẩu

Trong phiên chất vấn chiều ngày 4/6, đề cập tới các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử, Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Bộ trưởng đã đưa ra các giải pháp như hoàn thiện hành lang pháp lý, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành địa phương… Tuy nhiên đại biểu cho rằng còn giải pháp về kỹ thuật công nghệ.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết giải pháp kỹ thuật công nghệ đã được chú trọng? Có được coi là giải pháp đột phá nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử trong thời gian qua cũng như thời gian tới?

Trả lời chất vấn đối với nội dung liên quan đến sử dụng công nghệ để giải quyết các mặt trái của thương mại điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia thương mại điện tử thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tán thành cao với đề xuất giải pháp của các đại biểu.

Theo Bộ trưởng, trách nhiệm trong lĩnh vực này là của rất nhiều ngành, nhất là ngành thông tin truyền thông, tài chính, khoa học, công nghệ; cần có sự vào cuộc của cả doanh nghiệp và người dân.

>> Giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử

Tại phiên chất vấn sáng 5/6, liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề của công nghệ là dùng công nghệ quản lý.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quản lý nhà nước thời gian qua đầu tư chưa nhiều để phát triển các công nghệ số để thực thi quản lý nhà nước trên không gian mạng. Chúng ta phải coi công nghệ số như là lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng. Bộ trưởng cũng tâm đắc với ý kiến của đại biểu Trần Thị Kim đó là dùng công nghệ để quản lý công nghệ.

Giải pháp quản lý không gian mạng được Bộ trưởng nêu ra đó là thể chế số, công cụ số và con người số - tức là kỹ năng số cho người dân. Thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh nên thể chế số, công cụ số và kỹ năng số và kỹ năng số đang theo sau, do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ, trong đó phát triển công cụ số có thể nhanh nhất.

“Trên sàn điện tử, có hàng triệu sản phẩm, theo đó là hàng triệu quảng cáo, không thể dùng sức người để quản lý, mà cần dùng công nghệ số, có thể quản lý toàn diện, có thể giám sát, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi trái phép, giao dịch bất thường, nhưng cần dùng công nghệ hiện đại”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng lấy ví dụ có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái. Các sàn thương mại điện tử có thể xây dựng các thuật toán AI để rà quét và chọn lọc các tài khoản có nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật.

“Việt Nam có thuận lợi đó là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc có thể viết được các phần mềm này. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng với các doanh nghiệp công nghệ số của ngành có thể giúp Bộ Công thương phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị Quốc hội quan tâm tăng đầu tư cho việc phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử nói riêng và quản lý không gian mạng nói chung.

Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng nêu rõ, chúng ta phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như là tài sản quan trọng nhất của cá nhân, nhất là các dữ liệu để xác định danh tính như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ hộp thư, số nhận dạng cá nhân ID, thông tin thẻ tín dụng… Bởi một người khác có thể mạo danh chúng ta để hoạt động thay chúng ta và tiêu tiền của chúng ta mà chúng ta không biết.

Thương mại điện tử thời gian qua đã phát triển nhanh, dữ liệu cá nhân được thu thập lưu trữ và xử lý thì ngày càng nhiều, đi kèm với đó là nguy cơ lộ lọt thông tin dữ liệu cá nhân, ảnh hưởng đến thương mại điện tử và các lĩnh vực khác. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo đó quy định các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với ngành lĩnh vực quản lý của mình. Chính phủ cũng đã có lộ trình để xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, để bảo vệ dữ liệu cá nhân, cần bảo đảm an toàn cho hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu cá nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85 về bảo vệ đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; và các sàn thương mại điện tử phải tuân thủ Nghị định này.

“Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương trong triển khai các công tác trên trong lĩnh vực thương mại điện tử”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Quản lý thương mại điện tử đối với hoạt động xuất nhập khẩu

    Quản lý thương mại điện tử đối với hoạt động xuất nhập khẩu

    16:36, 04/06/2024

  • Nhiều nguy cơ từ kinh doanh thương mại điện tử

    Nhiều nguy cơ từ kinh doanh thương mại điện tử

    16:19, 04/06/2024

  • Giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử

    Giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử

    15:10, 04/06/2024

  • Cơ chế đặc thù mới cho Đà Nẵng: Thí điểm thành lậpp/khu thương mại tự do

    Cơ chế đặc thù mới cho Đà Nẵng: Thí điểm thành lập khu thương mại tự do

    14:31, 04/06/2024

  • Đừng bỏ lỡp/khu thương mại tự do

    Đừng bỏ lỡ khu thương mại tự do

    14:17, 04/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sử dụng công nghệ để quản lý công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO