Tập đoàn Intel đã quyết định đầu tư 20 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất chất bán dẫn của hãng như động thái ủng hộ chính quyền của ông Biden.
Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu gần đây đã làm nổi bật những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ. Chính điều này đã khiến các nhà hoạch định chính sách của xứ cờ hoa “ăn không ngon ngủ không yên”.
Cụ thể, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer đang đẩy nhanh việc xây dựng Đạo luật Biên giới vô tận – một dự luật lưỡng đảng cho phép Quốc hội giải ngân 100 tỷ USD trong vòng 5 năm để tài trợ cho nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo ông Schumer, một gói lập pháp liên quan đến khoản đầu tư của Mỹ vào các ngành công nghiệp chủ chốt sẽ cho phép Mỹ “vượt qua Trung Quốc trong tất cả các ngành đó”.
Và dường như để ủng hộ các quyết sách của Chính phủ trong việc quyết giành lại vị thế bá chủ, mới đây Tập đoàn Intel đã quyết định đầu tư 20 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất chất bán dẫn của hãng. Điều này đã làm dấy lên hy vọng về sự hồi sinh của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Thật khó để tìm ra lời giải cân bằng giữa các yếu tố kinh doanh và địa chính trị đằng sau quyết định của giám đốc điều hành Intel – ông Pat Gelsinger trong việc tăng gấp đôi sản lượng. Nhưng ít nhất, ông dường như đã hiểu được điều mà nhiều lãnh đạo các công ty công nghệ khác “từ chối hiểu”, rằng các tập đoàn Hoa Kỳ đang bước vào một kỷ nguyên mới, với các tiêu chuẩn giám sát an ninh quốc gia nghiêm ngặt hơn.
Được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Intel chỉ vài tháng trở lại đây, ông Gelsinger đã thiết lập một sự thay đổi lớn bằng cách đưa vào hoạt động một bộ phận sản xuất chip để cung cấp cho các công ty như Apple. Về cơ bản, bộ phận này đã tiếp cận được công nghệ sản xuất chất bán dẫn tương tự như công nghệ đã giúp đưa Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) lên trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực.
Trong khi ông Gelsinger phủ nhận rằng chiến lược mới của ông được triển khai dưới sự tài trợ từ các quỹ của chính phủ, nhưng dù đúng hay không thì động thái này vẫn thể hiện sự thành công của loạt chính sách công nghiệp mới mà Mỹ đang triển khai để duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ của mình trước Trung Quốc.
Tất nhiên, sự thành công này không quyết định chắc chắn được hồi sinh của Intel. Và nói rộng ra, Mỹ còn nhiều việc phải làm để duy trì vị thế dẫn đầu so với Trung Quốc, cũng như bắt kịp Đài Loan và Hàn Quốc. Các khoản tiền mà Quốc hội Mỹ hứa đưa ra vẫn chỉ là các chính sách chưa thành hiện thực. Kể cả khi được thông qua thì các chính sách này cũng chủ yếu sẽ đổ vào các công ty đã có tên tuổi, chứ không phải loại công ty khởi nghiệp sáng tạo có thể phát triển các công nghệ bán dẫn tiên tiến hoàn toàn mới phù hợp để duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ khi Trung Quốc chạy đua để phát triển năng lực bán dẫn của riêng mình.
Điều đó nói lên rằng, động thái trên của Intel chỉ chứng tỏ chắc chắn rằng Mỹ sẽ không để mình bị thiếu chip trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai với Trung Quốc. Sự an toàn về nguồn cung là thứ mà các quốc gia khác có thể sẽ sao chép!!
Ở một cấp độ sâu hơn, quyết định của ông Gelsinger nhấn mạnh tốc độ mà một kỷ nguyên toàn cầu hóa trước đó sắp kết thúc và cách một hệ thống địa chính trị phức tạp hơn khác đang diễn ra như thế nào. Trước đó, Intel đã bị áp lực nặng nề từ phía các nhà đầu tư và phải từ bỏ hoàn toàn dây chuyền sản xuất trong nước và thay vào đó là ký hợp đồng mua chip từ các công ty như TSMC.
Một chiến lược như vậy là khả thi trong những năm huy hoàng của chuỗi sản xuất toàn cầu trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng nếu ở thời điểm hiện tại mà Intel vẫn giữ nguyên mô hình kinh doanh đó, chắc chắn hãng sẽ phải đối mặt với những phản ứng dữ dội từ toàn bộ nền chính trị Hoa Kỳ.
Ở đây có một bài học cho các doanh nghiệp Mỹ nói chung. Cựu quan chức an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Trump - ông Matt Pottinger gần đây đã cảnh báo các giám đốc điều hành của Mỹ về những rủi ro khi mở rộng hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc, cũng như gia tăng sự phụ thuộc của họ vào các chuỗi cung ứng mỏng manh ở châu Á. Các bài học này càng trở nên sâu sắc, đặc biệt là vào thời điểm các nhãn hàng thời trang như H&M và Nike đang bị tẩy chay ở Trung Quốc.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng quan điểm nói trên có phần thiển cận, đặc biệt trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến. Chất bán dẫn chỉ là một trường hợp đặc biệt, do sự thiếu hụt hiện nay là một lỗ hổng nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ. Trên thực tế không phải những quan điểm này không có lý khi ngày càng có nhiều các công ty đa quốc gia lớn sử dụng nguồn dữ liệu khổng lồ, cũng như các thuật toán tiên tiến. Và theo một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Hoa Kỳ AmCham, có tới 2/3 các công ty Mỹ có hoạt động tại Trung Quốc cho biết rằng họ đang ngày càng lạc quan hơn về triển vọng tương lai của mình ở đại lục, chứ không phải một đám mây u ám đang bao trùm lên hoạt động kinh doanh của họ.
Có thể bạn quan tâm