Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp ngày 26/5, Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự thảo sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước.
Tại phiên thảo luận, quy định về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương tại Dự thảo Luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham gia thảo luận, góp ý.
Về vấn đề này, tham gia thảo luận, góp ý, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc điều chỉnh mức tăng dư nợ vay nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển trong tình hình mới hiện nay là cần thiết, bởi sau sắp xếp đơn vị hành chính, các địa phương sẽ mở rộng quy mô nên rất cần nguồn lực đầu tư để tăng kết nối.
“Tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét thêm đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang có nhiều dự án lớn triển khai, thay vì mức trần dư nợ vay không vượt quá 120% số dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp (đối với địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương), thời gian tới có thể vượt trần, nâng lên mức 150-200%”, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.
Trong khi đó, liên quan đến vấn đề này, không ít ý kiến bày tỏ lưu ý, việc tăng trần nợ công cho các địa phương cần hết sức cân nhắc bởi thực tế việc “dễ vay” thì dễ dẫn đến “dày nợ”.
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc luật hóa nâng trần nợ vay cho tất cả các địa phương là một đề xuất cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Bởi, thực tế cho thấy, một số địa phương đã được thí điểm cơ chế đặc thù cho phép tăng dư nợ vay để đầu tư cho các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, việc mở rộng cơ chế này ra toàn quốc chưa có tổng kết, đánh giá đầy đủ về hiệu quả. Và nếu mở rộng quá mức, nguồn lực quốc gia có thể bị phân tán vào các dự án nhỏ, làm giảm khả năng tập trung đầu tư cho các công trình trọng điểm cấp quốc gia.
“Việc phân bổ dàn trải cho các dự án ngoài kế hoạch, chưa có sự chuẩn bị kỹ khiến “tiền trong két nhưng không giải ngân được, gây tồn ngân quỹ, trong khi nợ vay vẫn phải trả lãi”. Vì thế, đề nghị cần ưu tiên đầu tư vào các dự án đang triển khai, đủ điều kiện hấp thu vốn, tránh phân bổ tràn lan dẫn đến lãng phí”, đại biểu cảnh báo.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng bày tỏ sự đồng tình với mức trần vay cao đối với các địa phương có tiềm lực tài chính mạnh như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… nhưng ông cảnh báo về rủi ro khi áp dụng mức trần cao đồng loạt cho các địa phương còn khó khăn. Phải có giám sát chặt chẽ, nếu không Trung ương sẽ phải gánh nợ thay, làm tăng trần nợ công quốc gia.
Về đề xuất nâng trần dự phòng ngân sách lên 5%, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, mức 2-4% như hiện hành là hợp lý. Bởi, nhiều năm ngân sách còn dư dự phòng phải chuyển sang năm sau, trong khi có nơi thiếu chi nhưng không được cấp, gây lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng không đồng tình việc cho phép ứng trước ngân sách để chi thường xuyên cho năm sau bởi ứng trước như vậy dễ dẫn đến lạm chi, sai nguyên tắc quản lý ngân sách.
Trước các ý kiến trái chiều, giải trình các vấn đề đại biểu nêu trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc tăng trần nợ công cho các địa phương quy định trong Dự thảo Luật sẽ bảo đảm trong giới hạn cho phép và chất lượng vay, tránh trường hợp sử dụng không hiệu quả dẫn đến gánh nặng cho ngân sách.