Với tính chất quan trọng, tác động đến nhiều hoạt động kinh tế của cả trung ương và địa phương, góp ý sửa Luật Ngân sách nhà nước, nhiều ý kiến đề nghị, cần có cơ chế phân chia tỷ lệ nguồn thu hợp lý.
Trong bối cảnh Việt Nam đang sắp xếp tổ chức bộ máy để xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), được đánh giá là Dự án Luật rất quan trọng, có liên quan đến nhiều hoạt động kinh tế, cũng như tác động trực tiếp đến vấn đề quản lý, phân bổ nguồn lực của cả hệ thống chính trị. Việc sửa đổi luật không chỉ là nhu cầu cấp thiết từ thực tiễn quản lý tài chính công, mà còn là đòi hỏi khách quan để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, minh bạch và hội nhập.
Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời giúp việc tổ chức quản lý, sử dụng nguồn lực ngân sách thực sự hiệu quả, góp ý sửa Luật này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế phân chia tỷ lệ nguồn thu hợp lý.
Tham gia góp ý Điều 10 Dự thảo Luật (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nêu rõ, Dự thảo Luật quy định về sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước với 3 nhóm chi là: Chi phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh; chi dự trữ quốc gia, nhiệm vụ đối ngoại đột xuất, cấp bách; chi hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới; chi hỗ trợ các địa phương khác.
Tuy nhiên, để kịp thời thực hiện chương trình viện trợ theo các hiệp định, cam kết phát sinh trong năm mà chưa bố trí dự toán, cần bổ sung nội dung “chi viện trợ theo các hiệp định” tại khoản 2 điều 10 Dự thảo Luật.
“Chi viện trợ này là chi từ ngân sách Nhà nước, ghi rõ trong kế hoạch tài chính công, và thực hiện theo nội dung các hiệp định nên việc bổ sung vào dự phòng ngân sách Nhà nước là hết sức cần thiết”, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị.
Về nguồn thu của ngân sách Trung ương, quy định tại Điều 35, đại biểu đề nghị lựa chọn theo phương án 2, theo đó chỉ quy định trong Dự thảo Luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia và giao Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ phân chia trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh.
Riêng đối với tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất, tại điểm g, phương án 2, khoản 2, Điều 35 Dự thảo Luật quy định: “Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý quy định tại điểm h khoản 1 Điều này, các địa phương không nhận bổ sung cân đối, ngân sách Trung ương hưởng 30%; ngân sách địa phương hưởng 70%. Các địa phương nhận bổ sung cân đối, ngân sách Trung ương hưởng 20%; ngân sách địa phương hưởng 80%”.
Theo đại biểu, trên thực tế nguồn thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng rất lớn, là nguồn lực chủ yếu để chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương, nguồn thu này không liên quan đến việc xác định cân đối ngân sách vì thu tiền sử dụng đất phụ thuộc vào việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nên có thể tăng mạnh hoặc giảm sâu từng năm;
Những năm thị trường bất động sản nóng, nguồn thu này có thể rất cao; ngược lại, khi thị trường trầm lắng, nguồn thu sụt giảm mạnh; nguồn thu này không phản ánh năng lực thu ngân sách cơ bản của nền kinh tế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; mặt khác việc hạch toán số thu tiền sử dụng đất hiện nay bao gồm cả chi phí đầu tư hạ tầng.
Do đó, đại biểu đề nghị quy định thống nhất mức phân chia ngân sách Trung ương hưởng 20%, địa phương hưởng 80%.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Hà Đức Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cũng bày tỏ tán thành với phương án 2 do có tính linh hoạt cao hơn, cho phép điều chỉnh phân chia nguồn thu phù hợp với biến động thực tiễn về thu - chi ngân sách Nhà nước, đồng thời phản ánh các thay đổi về cơ cấu nguồn thu theo xu hướng hiện đại (ví dụ như thuế tối thiểu toàn cầu, thuế số, thu từ tài nguyên mới...).
Theo đại biểu, việc giao Chính phủ xây dựng phương án tỷ lệ cụ thể trình Quốc hội quyết định là cần thiết để nâng cao tính chủ động, thích ứng với đặc điểm từng địa phương trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và ổn định của hệ thống ngân sách, có thể bổ sung vào phương án 2 ràng buộc pháp lý cụ thể nhằm tránh làm suy giảm vai trò quyết định của Quốc hội…
Cho ý kiến về nội dung Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), cơ bản đồng tình với việc phân cấp nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phượng quy định tại Điều 35 của Dự thảo Luật, song, Phó Chủ tịch Quốc hội - Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc phân cấp, phân quyền cần lưu ý đến một số vấn đề liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, tiền tệ, những vấn đề cốt lõi thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp… những vấn đề này cần được giữ lại ở cấp Trung ương xem xét, quyết định.
Được biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).