Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Đầu tư công: Cần thí điểm cơ chế đặc thù

Khôi Nguyên 23/09/2024 11:00

“Trong quản lý dự án đầu tư công còn nhiều khâu, nhiều cấp với quy trình, thủ tục rườm rà, chưa dành quyền chủ động cho chủ đầu tư...".

Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh xung quanh Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo.

sua-luat-dau-tu-cong-day-manh-phan-cap-phan-quyen-1.jpg
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này với 29 nội dung tập trung vào 5 nhóm chính sách sửa đổi. Ảnh minh hoạ

Như đã thông tin, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ; một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, Quốc hội đã ban hành các Luật, Nghị quyết để sửa đổi, quy định một số chính sách mới cho các đối tượng, ngành, lĩnh vực; quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới, đặc thù cho một số địa phương, dự án đã được Quốc hội cho phép áp dụng, cần nghiên cứu để luật hoá.

Việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu đối với cùng một nội dung, gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương. Ngoài ra còn một số tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo đánh giá của TS Vũ Đình Ánh, trong quản lý dự án đầu tư công vẫn còn nhiều nội dung, nhiều khâu, nhiều cấp với quy trình và thủ tục rườm rà, phức tạp, nặng về phê duyệt, xin - cho, hợp thức hóa... mà chưa dành quyền chủ động cho chủ đầu tư đi đôi với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm; quyền và trách nhiệm của cá nhân với của tập thể chưa được phân định rạch ròi nên không ít dự án đầu tư công chậm triển khai, giải ngân chậm…

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này với 29 nội dung tập trung vào 5 nhóm chính sách sửa đổi. Bao gồm: thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền;

Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp Nhà nước; Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.

Góp ý cho dự thảo, ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, đối với vấn đề phân cấp, phân quyền, để thuận lợi và phù hợp, dự thảo cần có quy định ghi rõ nếu các luật quy định khác thì cần áp dụng theo luật.

Điển hình như, trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rất rõ thẩm quyền của từng cấp, song nếu Luật Đầu tư công (sửa đổi) được triển khai thì có một số điều có liên quan sẽ thay đổi. Do vậy, cần có quy định cụ thể hơn, luật nào ra đời sau thì áp dụng theo luật đó. “Đối với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp, cần rà soát lại thẩm quyền quyết định cũng như chi tiết từng cấp”, ông Bình kiến nghị.

Cũng đánh giá cao dự thảo trong việc phân cấp, phân quyền, vị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề xuất, bổ sung quy định dừng dự án không triển khai. “Cơ quan, thẩm quyền ai quyết định chủ trương đầu tư thì quyết định dừng để bảo đảm quy định của pháp luật”.

Từ một góc nhìn khác, ông Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kì 2024 – 2029, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, các dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội cho phép giao trực tiếp cho địa phương có liên quan quản lý. Đồng thời, Dự án được thực hiện cơ chế đặc thù là tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư. Chính nhờ cơ chế đặc thù này nên tiến độ triển khai Dự án rất nhanh.

“Chỉ một năm sau khi được Quốc hội thông qua, về cơ bản công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, trong khi phần lớn các dự án khác ở một số địa phương luôn ách tắc chính là ở khâu này”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, việc trao quyền cho địa phương thực hiện thực chất là giao trách nhiệm để đảm bảo tiến độ dự án, đồng thời cũng tạo cơ chế để giám sát tốt hơn. Bên cạnh sự giám sát của cơ quan quản lý ở Trung ương thì người dân địa phương cũng được tham gia nhiều hơn trong quá trình giám sát đầu tư, thực hiện hoạt động của dự án. “Vì vậy, cần xem xét, đánh giá tổng thể việc thí điểm cơ chế đặc thù để có những điều chỉnh và tạo, cơ chế chính sách mới, áp dụng cho nhiều dự án mới”, ông Cường đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Đầu tư công: Cần thí điểm cơ chế đặc thù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO