Đây là nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi - Luật Báo chí 2016 - Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016”…
>> Báo chí "bắt tay" doanh nghiệp để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số
Theo đó, sáng 10/6, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi - Luật Báo chí 2016 - Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi hội thảo khoa học thường niên “Diễn đàn báo chí tháng sáu” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tạp chí Thông tin và Truyền thông sáng kiến tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 là một trong những chương trình công tác năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao gắn với nhiệm vụ lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016. Vì vậy, hội thảo nhằm đánh giá hoạt động báo chí trong thời gian vừa qua một cách tổng thể và khoa học.
>> Trao Giải thưởng Báo chí về khoa học và công nghệ năm 2022
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Sau 6 năm thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí. Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản, hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của Nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập do Luật Báo chí 2016 không theo kịp với sự đổi mới về khoa học và công nghệ thông tin, trong thời kỷ nguyên số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30/3/2022 báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
“Báo cáo nêu ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí. Những vấn đề đó cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; Đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, thông tin Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho rằng, Luật Báo chí sau nhiều năm áp dụng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, cần thiết được sửa đổi để theo kịp được với tốc độ phát triển hiện nay. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để sớm xây dựng Dự án Luật này trình Chính phủ sớm nhất để có thể đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Bên cạnh những ý kiến của các cơ quan quản lý, Hội thảo cũng lắng nghe nhiều ý kiến, tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức thực thi Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.
Theo Ths. Hồ Bảo – Khoa Luật, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, với đặc điểm là hoạt động sáng tạo, cung cấp, xuất bản, truyền dẫn thông tin về các sự kiện, nhân vật, tình hình diễn biến của đời sống xã hội,... báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự minh bạch, phối hợp và tạo ra nhận thức đúng đắn trong xã hội, được thực hiện bởi cơ quan báo chí và người làm báo. Từ đó, cơ quan báo chí và người làm báo xử lý rất nhiều dữ liệu cá nhân (DLCN) khi họ thu thập, biên tập và xuất bản các ấn phẩm báo chí, đưa tin, truyền thông.
Nhiều DLCN như thông tin tác giả, thông tin độc giả và các dữ liệu liên quan đến những nhân được đề cập trong nội dung bản tin chắc chắn có liên quan đến hoạt động báo chí, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số phát triển với dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và các cơ quan báo chí cũng đang thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau.
Ths. Hồ Bảo cho rằng, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ DLCN ngày 17/4/2023 do Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023) là bước tiến quan trọng đánh dấu sự quan tâm của Nhà nước trong việc quản lý nhà nước chặt chẽ đối với việc bảo vệ DLCN, trong bối cảnh đó, các quy định pháp luật về báo chí cần phải nghiên cứu nhằm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định về bảo vệ DLCN trong tình hình mới (hiện nay tại Luật Báo chí năm 2016 vẫn chưa có quy định nào cụ thể về nghĩa vụ bảo vệ DLCN của báo chí).
Và theo Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, cơ quan báo chí có thể là Bên Kiểm soát dữ liệu, Bên Xử lý dữ liệu, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu, do đó, các cơ quan này phải thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ DLCN, đặc biệt là đối với các trường hợp xử lý DLCN tự động.
Cùng với góp ý xây dựng đã nêu, Hội thảo cũng lắng nghe những tham luận, những ý kiến góp ý thực tiễn hoạt động đến từ các cơ quan báo chí.
Có thể bạn quan tâm
Báo chí "bắt tay" doanh nghiệp để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số
11:48, 08/06/2023
Trao Giải thưởng Báo chí về khoa học và công nghệ năm 2022
11:16, 18/05/2023
Phát động Giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” lần thứ V
15:55, 18/04/2023
Quán triệt, triển khai các quy định mới của Ban Bí thư Trung ương về công tác báo chí - xuất bản
11:46, 06/04/2023
Yêu cầu đặt ra với báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số
09:05, 18/03/2023