Làm cho doanh nghiệp thực sự là một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn cho các nhà đầu tư tiếp tục được chọn là chủ thuyết trong lần sửa đổi thứ tư của Luật Doanh nghiệp.
Đảm bảo quyền của cổ đông, doanh nghiệp
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người đang nhận trách nhiệm xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp lần này khẳng định, đã đến lúc, thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt sẽ là mục tiêu sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này.
“Khi Luật Doanh nghiệp 1999 được xây dựng, mục tiêu là tháo gỡ các rào cản gia nhập thị trường, để người dân không ngần ngại bỏ vốn kinh doanh. Luật Doanh nghiệp 1999 và hai lần sửa đổi đã hoàn thành sứ mạng này, với sự thuận lợi ngày càng lớn trong thủ tục gia nhập thị trường. Nhưng đã đến lúc, các doanh nghiệp sau khi gia nhập cần phải thực hiện những tiêu chuẩn quản trị theo đúng thông lệ quốc tế. Đây là con đường để doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn lên, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”, ông Hiếu chia sẻ.
Ngay Ban Soạn thảo cũng đã nhìn ra nhiều vấn đề phải sửa liên quan đến nội dung này.
Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp chưa có quy định xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật và Điều lệ công ty không quy định về phân công quyền, nhiệm vụ giữa những người đại diện theo pháp luật. Quy định này gây khó khăn trong xác định người đại diện theo pháp luật, dẫn đến khó làm việc với công ty để giải quyết tranh chấp, gây thiệt hại cho các bên có liên quan.
Trong khi đó, các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên đối với doanh nghiệp nhà nước còn thiếu rõ ràng và cao hơn so với hoàn cảnh và yêu cầu thực tiễn. Ví dụ, yêu cầu trưởng ban kiểm soát phải làm việc “chuyên trách”, trong khi khái niệm “chuyên trách” lại không rõ ràng. Khoản 2, Điều 164, Luật Doanh nghiệp yêu cầu kiểm soát viên công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên. Đây là yêu cầu cao hơn so với thực tế, bởi vì thực tế số lượng kiểm toán viên, kế toán viên không nhiều. Do đó, công ty rất khó có được kiểm soát viên đáp ứng yêu cầu của Luật.
Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp có một số quy định chưa thực sự tạo thuận lợi cho cổ đông thực hiện quyền của mình; một số quy định tạo rào cản cho cổ đông trong bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình hoặc bị cổ đông lớn, công ty lạm dụng gây thiệt hại cho cổ đông.
Ví dụ, khoản 2, Điều 114 quy định, cổ đông phải có thời gian sở hữu cổ phần tối thiểu 6 tháng mới có quyền đề cử người vào HĐQT. Quy định đã hạn chế quyền của cổ đông, đặc biệt trong trường hợp mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
“Các quy định về chia doanh nghiệp và tách doanh nghiệp không bao quát được hết các phương thức, các trường hợp chia, tách doanh nghiệp trên thực tế, dẫn đến hạn chế quyền, lựa chọn của doanh nghiệp trong tổ chức lại doanh nghiệp; gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký lại doanh nghiệp sau khi chia, tách doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ phải làm rõ các nội dung này để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, cổ đông”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tiếp tục cắt giảm thủ tục
Tất nhiên, việc đơn giản hóa và bãi bỏ thủ tục hành chính không còn phù hợp, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và xã hội trong các thủ tục gia nhập thị trường, trong hoạt động kinh doanh vẫn liên tục là việc phải làm.
Trong Dự thảo Tờ trình Dự thảo sửa thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, thứ hạng 106/190 quốc gia và nền kinh tế về các thủ tục gia nhập thị trường trên Bảng xếp hạng Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn nhắc tới. Và mục tiêu rõ ràng là phải cải thiện thứ hạng này.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải hoàn thành 5 thủ tục hành chính để có thể bắt đầu kinh doanh.
Một là, đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Hai là, làm dấu tại cơ sở khắc dấu.
Bà là, thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Bốn là, mở tài khoản và thông báo việc tài khoản cho cơ quan đăng ký kinh doanh…
Có thể bạn quan tâm
15:14, 20/02/2019
09:58, 20/02/2019
09:05, 20/02/2019
06:16, 18/02/2019
Ngoài ra, một số thủ tục hành chính khác thực sự không rõ mục tiêu quản lý, ví dụ yêu cầu về báo cáo thông tin của người quản lý công ty, yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh thường xuyên gửi thông tin về đăng ký doanh nghiệp cho tất cả quận, huyện, thị xã...
Dự thảo đã bãi bỏ những thủ tục không còn cần thiết, như bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng; bỏ yêu cầu báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp. Chế độ gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới cũng không cần phải thực hiện.
Ông Lê Nết, luật sư thành viên Công ty Luật TNHH LNT và thành viên, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, thậm chí còn đề nghị mục tiêu đơn giản hóa này phải được thể hiện cụ thể hơn trong từng vấn đề.
”Ví dụ, chi phí công bố thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh hiện tại là 300.000 đồng/lần, nên được điều chỉnh giảm xuống. Có như vậy thì mục tiêu cắt giảm chi phí đầu tư, kinh doanh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính... mới rõ ràng”, ông Nết nói.
Ông Nết cũng đề nghị, các sửa đổi cần được nhìn theo hướng mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và quản lý doanh nghiệp phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế.