Nhiều ý kiến cho rằng, chờ đến 2026 mới sửa Luật Luật Thuế thu nhập cá nhân là quá muộn và thiếu hợp lý.
>>Vì sao phải chờ CPI tăng trên 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh?
Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 20/11/2007, có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 (được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2012 và năm 2014). Theo đề xuất, dự án sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) và thông qua dự án luật Thuế thu nhập cá nhân tại Kỳ họp tháng 5/2026.
Thu thuế TNCN tăng cao
Thực tế những năm qua cho thấy, số thu về thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công luôn tăng qua từng năm. Thu thuế thu nhập cá nhân tăng từ mức chỉ 5.000 tỷ đồng (2006) lên trăm nghìn tỷ đồng. Năm 2019 đánh dấu lần đầu tiên số thu thuế thu nhập cá nhân vượt mức 100 nghìn tỷ đồng, đạt 109,4 nghìn tỷ đồng.
Năm 2020 và 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng so với các năm trước, đạt hơn 110 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, mức tăng này vẫn có được ngay cả khi từ 1/7/2020, mức giảm trừ gia cảnh cũng đã được Quốc hội đồng ý tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng.
Luật Thuế thu nhập cá nhân đã góp phần quan trọng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, đảm bảo động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư; khuyến khích minh bạch các nguồn thu nhập của cá nhân trong lao động, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng.
Tuy nhiên, chính sách thuế thu nhập cá nhân đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, đảm bảo tính minh bạch và đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Mới đây, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026). Như vậy người nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ phải chờ đến hơn 3 năm nếu những đề xuất sửa đổi được thông qua theo lộ trình này.
>>Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần tính đến hài hòa… lợi ích
>>Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Nên "khoan thư sức dân"
>>Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Sao phải chờ đến 2026?
Sao không linh hoạt điều chỉnh sớm?
Theo nhìn nhận của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nếu đến năm 2026 mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thì đây là mức điều chỉnh kỹ thuật.
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh khi lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng – CPI) tăng trên 20% thì sẽ được thay đổi. Đến năm 2026 thì ước tính lạm phát của Việt Nam cũng sẽ ở mức này.
“Báo cáo cũng đã nghiên cứu về bậc thuế lũy tiến và cho rằng cần điều chỉnh giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc thì tại sao lại chờ đến mấy năm mà không chịu sửa ngay vì đây là quy định bất hợp lý?”- ông Đức đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho rằng, trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, đời sống của nhiều người làm công ăn lương khá chật vật, trong khi mức giảm trừ gia cảnh trong cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay cũng được cho không còn phù hợp với sự biến động của mặt bằng giá…
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc sửa thuế thu nhập cá nhân có thể chậm nhưng phải chắc. Năm 2024 hay 2025 có thể sửa Luật Thuế này nhưng trên nguyên tắc phải đáp ứng được mong mỏi của người lao động và người đóng thuế, đừng để mỗi lần nói đến thuế thu nhập cá nhân là người người, nhà nhà than phiền.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, cách điều hành cũng như việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân của Tổng cục Thuế thời gian qua có vấn đề, chỉ tiến hành điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi lạm phát thay đổi 20% là quá cứng nhắc.
Thực tế, đời sống của người nộp thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là lao động làm công ăn lương còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cần thay đổi luật thuế thu nhập cá nhân để phù hợp với biến động thực tế, để người dân đỡ chật vật hơn trong cuộc sống.
Và với người nộp thuế, việc sửa Luật thuế thu nhập cá nhân phải càng sớm càng tốt, ngay trong năm nay là tốt nhất. Bởi đáng ra, việc giảm số bậc thuế, giãn khoảng cách giữa các bậc thuế... phải được sửa từ năm 2017 để giảm gánh nặng, áp lực cho người dân. Thật khó hiểu khi người nộp thuế phải chờ thêm 4 năm nữa để sửa những bất cập của thuế TNCN hiện tại.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 06/02/2023
12:30, 03/02/2023
05:30, 02/02/2023
04:00, 01/02/2023