Dù đánh giá cao những vấn đề được Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2022 đề xuất, tuy nhiên, theo VCCI, vẫn còn một số quy định mang tính tăng nặng trách nhiệm cho doanh nghiệp…
>> Tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là cần thiết
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 8929/BTNMT-MT ngày 20/10/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2022/NĐ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo).
Cụ thể, theo VCCI, về cơ bản, Dự thảo đã bổ sung nhiều quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hoặc làm rõ phạm vi đối tượng phải thực hiện, đồng thời phân cấp giải quyết thủ tục. Các quy định này dự kiến sẽ giúp thuận lợi hoá, cải thiện nhiều thời gian và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung liên quan như:
Về phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo, theo Tờ trình, Dự thảo được sửa đổi nhằm thực hiện Nghị quyết 131/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp cho địa phương. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng được cho phép sửa đổi theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, Dự thảo cũng bổ sung nhiều quy định mang tính tăng nặng trách nhiệm cho doanh nghiệp, chẳng hạn Điều 45, 58, 97 (sửa đổi).
>> Giá xăng dầu liên tục “leo thang”, có nên giữ Quỹ bình ổn?
Góp ý về vấn đề đã nêu, VCCI cho rằng, các quy định này chưa thực sự mang tính cấp thiết và cần giải quyết ngay như các quy định về thủ tục hành chính, do đó, khó có thể phân loại thuộc trường hợp cần ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, các quy định này chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng cũng như tham vấn doanh nghiệp một cách kỹ lưỡng.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các quy định này là chưa phù hợp và sẽ tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp (như được trình bày ở các góp ý dưới đây).
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo không bổ sung, sửa đổi các quy định mang tính tăng nặng trách nhiệm cho doanh nghiệp trong lần sửa đổi rút gọn này.
Bên cạnh đó, về hạn chế tỷ lệ nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Điều 1.16 (sửa đổi Điều 45 Nghị định 08/2022/NĐ-CP) quy định các cơ sở sử dụng nhập khẩu phế liệu chỉ được nhập tối đa 80% nhu cầu sử dụng, còn lại phải sử dụng phế liệu thu gom trong nước từ 01/01/2025.
Góp ý, VCCI cho rằng, quy định này cần xem xét ở các điểm như:
Thứ nhất, quy định này chưa phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường. Điều 71.2 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về các yêu cầu (về bảo vệ môi trường) với doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và giao Chính phủ quy định chi tiết. Luật Bảo vệ môi trường 2020 không giao Chính phủ quy định về lộ trình hạn chế nhập khẩu nguyên liệu. Do vậy, quy định tại Dự thảo không tuân thủ với Điều 11.1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, quy định này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Nguồn phế liệu nhập khẩu, nếu được sử dụng đúng cách, sẽ được tái chế thành nguyên liệu để sản xuất các loại sản phẩm công nghiệp phục vụ cho nền kinh tế, đồng thời tiết kiệm chi phí và giảm khai thác nguyên vật liệu thô. Trong nhiều trường hợp, việc nhập khẩu phế liệu còn giúp doanh nghiệp giảm khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu đầu vào do các căng thẳng từ nguồn cung khoáng sản thô. Có thể suy đoán rằng, cơ quan soạn thảo muốn thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện tái chế với các phế liệu trong nước.
Tuy nhiên, việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải hình thành được chuỗi thu gom phế liệu trong nước, trong khi thực tế, chuỗi thu gom chính thức chưa được hình thành ở Việt Nam (4/5 mặt hàng phế liệu cũng chưa thuộc danh mục thực hiện EPR để tạo nguồn phế liệu trong nước), và cũng chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể phát sinh chất thải. Như vậy, một mặt, các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp khó khăn trong việc thiết lập chuỗi thu gom phế liệu trong nước, và có thể mất nhiều năm để chuỗi này hoạt động hiệu quả, trong khi lại bị siết nguồn nguyên liệu sản xuất.
“Việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nước là điều hoàn toàn cần thiết, dù vậy, các quy định cần được quy định theo lộ trình dài hơi cụ thể, sau khi được tham vấn với các bộ chuyên ngành (về kế hoạch kinh tế tuần hoàn của ngành, lĩnh vực đó) và các doanh nghiệp, để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực của doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này”, VCCI góp ý.
Ngoài những vấn đề đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung liên quan đến: Nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất; Quản lý chất thải rắn của doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp; Loại hình sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Quan trắc tự động; Cấp lại giấy phép môi trường; Trách nhiệm tiếp nhận nước thải của dự án mới hoặc dự án mở rộng; Các quy định liên quan đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Có thể bạn quan tâm
Nhiệt điện Bà Rịa: Sản xuất kinh doanh gắn liền bảo vệ môi trường
19:56, 15/12/2023
Quảng Ninh: Quyết tâm “xoá sổ” phao xốp bảo vệ môi trường
01:52, 14/11/2023
Thái Bình: Chú trọng bảo vệ mội trường trong các khu, cụm công nghiệp
00:52, 01/11/2023
Tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là cần thiết
05:00, 17/10/2023
Chăn nuôi tuần hoàn: Gia tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường
10:56, 12/10/2023