Bằng cách áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, Việt Nam có thể phát triển ngành chăn nuôi bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
>> Doanh nghiệp chăn nuôi phải áp dụng công nghệ xử lý chất thải
Ngành chăn nuôi đã và đang góp phần quan trọng vào an ninh dinh dưỡng quốc gia, tạo sinh kế gần 10 triệu hộ gia đình trên cả nước, với đóng góp hơn 25% vào GDP nông nghiệp.
Xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi
Trong những năm qua, bất chấp những thách thức đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch bệnh, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đạt được một số thành tựu và bước tiến quan trọng.
Năm 2022 giá trị toàn ngành chăn nuôi ước tính đạt 23,7 tỷ USD (tăng 5,93%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định, đàn gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển, đảm bảo được nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi vẫn đạt 3,14%.
Tại “Hội nghị Chăn nuôi – Thú y toàn quốc lần thứ 5” với chủ đề “Chăn nuôi tuần hoàn trong kỷ nguyên số” tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, ngành chăn nuôi đang gặp nhiều vấn đề trong việc xử lý chất thải. Mỗi năm ngành chăn nuôi tạo ra khoảng 386 triệu tấn chất thải nhưng các công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi hiện nay phần lớn chỉ chú trọng vào nâng cao lợi nhuận, chưa hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững.
“Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp. Đây là hướng đi chủ đạo để ngành chăn nuôi nước nhà phát triển bền vững thời gian tới”, bà Lan nói.
Ông Sử Thanh Long, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh gia tăng nhận thức về môi trường và đòi hỏi phát triển bền vững, việc ứng dụng các nguyên lý của kinh tế tuần hoàn vào trong lĩnh vực chăn nuôi đang nổi lên như một cách tiếp cận mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Với việc tập trung vào giảm lượng chất thải hình thành, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và khuyến khích bảo vệ sức khỏe hệ sinh thái, chăn nuôi tuần hoàn cho thấy triển vọng để giải quyết những thách thức đa chiều mà ngành chăn nuôi Việt Nam đang đối mặt.
Chăn nuôi tuần hoàn đại diện cho sự chuyển hướng từ mô hình chăn nuôi tuyến tính thường dẫn tới suy kiệt nguồn tài nguyên, ô nhiễm và không bền vững. Thay vì coi chất thải trong chăn nuôi là một vấn đề, chăn nuôi tuần hoàn thay đổi góc nhìn coi đây là một nguồn tài nguyên giá trị.
Chất thải hữu cơ được hình thành trong quá trình chăn nuôi, như phân và chất độn chuồng, có thể được tái sử dụng thông qua quá trình ủ phân compost hoặc phân hủy yếm khí để tạo ra phân bón giàu dinh dưỡng và khí sinh học (biogas) cung cấp năng lượng. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề chất thải mà còn khép kín vòng tuần hoàn dinh dưỡng, góp phần giúp đất màu mỡ hơn và giảm sự phụ thuộc vào phân bón hoá học.
>>Chờ hành lang pháp lý để ứng dụng chất thải chăn nuôi vào nông nghiệp hữu cơ
Các chuyên gia cũng cho biết, việc tích hợp chăn nuôi tuần hoàn với sản xuất cây trồng giúp khuếch đại hiệu quả của mô hình này. Sản phẩm dư thừa và phụ phẩm trong trồng trọt có thể được coi là nguồn thức ăn cho gia súc, giúp giảm sự phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu và cải thiện hiệu quả chung của toàn hệ thống nông nghiệp. Sự kết hợp này thúc đẩy mối liên hệ cộng sinh giữa gia súc và cây trồng, tạo một vòng tuần hoàn trao đổi dinh dưỡng giúp ích cho cả vật nuôi và cây trồng.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam chia sẻ, chăn nuôi tuần hoàn là xu thế tất yếu. Nếu chúng ta làm tốt chăn nuôi tuần hoàn thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta kiểm soát tốt các vấn đề sử dụng hóa chất trong chăn nuôi.
Cần cách tiếp cận toàn diện
Một trong những khía cạnh thu hút nhất chăn nuôi tuần hoàn nằm ở khả năng thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Hệ thống tuần hoàn có thể dẫn tới sự ra đời của các chuỗi giá trị và cơ hội kinh doanh mới, thúc đẩy đổi mới và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bằng cách chuyển đổi chất thải thành các sản phẩm có giá trị như phân bón hữu cơ, khí sinh học và các vật liệu sinh học, chăn nuôi tuần hoàn có tiềm năng tiếp thêm sinh lực cho kinh tế địa phương và trao thêm quyền cho các cộng đồng nông thôn.
Hơn nữa, việc thích ứng chăn nuôi tuần hoàn có thể làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam trên thị trường quốc tế, nơi tính bền vững và khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng coi trọng.
Theo ông Sử Thanh Long, để thực hiện hiệu quả chăn nuôi tuần hoàn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện bao gồm hỗ trợ chính sách, đổi mới công nghệ và phát triển nhân lực. Các nhà làm chính sách đóng vai trò chính yếu trong việc tạo ra môi trường thích ứng với chăn nuôi tuần hoàn. Các ưu đãi, quy định và cơ chế hỗ trợ có thể khuyến khích người chăn nuôi chuyển đổi sang chăn nuôi tuần hoàn và đầu tư vào các công nghệ năng lượng tái tạo.
Hơn nữa, nâng cao trao đổi kiến thức và hợp tác giữa các nhà khoa học, các nhà chăn nuôi và nhà làm chính sách có thể thúc đẩy sự hình thành của các giải pháp đặc thù cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Việc tích hợp các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực hành chăn nuôi tuần hoàn giúp hướng tới mục tiêu bền vững, hiệu quả và đổi mới trong ngành nông nghiệp. Công nghiệp 4.0 đặc trưng bởi công nghệ điện tử, các quy trình hoạt động dựa trên dữ liệu và tự động hóa, giúp đem lại những lợi ích chiến lược phù hợp với các mục tiêu của chăn nuôi tuần hoàn.
Ông Long cũng cho rằng, phát triển nhân lực đóng vai trò nền tảng cho sự thành công của quá trình chuyển đổi sang chăn nuôi tuần hoàn. Các chương trình giáo dục và đào tạo có thể trao quyền cho người chăn nuôi bằng kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện các quy trình tuần hoàn một cách hiệu quả.
Theo các chuyên gia, các trường đại học Chăn nuôi - Thú y tại Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang chăn nuôi tuần hoàn bằng cách tập trung vào đào tạo, nghiên cứu, hợp tác và hỗ trợ cộng đồng. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng đóng vai trò trung tâm trong đổi mới sáng tạo bằng các nghiên cứu tạo ra các phương pháp, sản phẩm phù hợp nhất với điều kiện chăn nuôi Việt Nam...
Có thể bạn quan tâm