Việc kết nối du lịch giữa các địa phương, đối tác đã góp phần quan trọng đưa du lịch Bình Dương trở thành điểm đến của đông đảo du khách.
>>Khách du lịch dần quên Covid-19
Thời gian qua, ngành Du lịch Bình Dương đã từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân trong tỉnh và du khách khi đến Bình Dương.
Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, một trong những chương trình nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển đó là tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát, tìm hiểu các điểm đến trên địa bàn tỉnh để kết nối, xây dựng thêm các tour, tuyến du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Trung tâm đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức chương trình Famtrip năm 2023. Chương trình được tổ chức với mục đích khai thác thế mạnh trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù tiêu biểu trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng, phát triển loại hình du lịch công nghiệp, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch vui chơi giải trí, du lịch thể thao, du lịch tâm linh... đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.
Chương trình còn góp phần thúc đẩy liên kết, kết nối tour, tuyến tham quan giữa các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh với các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp, các khu điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch… trên địa bàn tỉnh; từ đó, giúp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch giới thiệu, xây dựng tour, tuyến du lịch đưa khách từ các tỉnh, thành đến với Bình Dương và ngược lại.
Trong chương trình trải nghiệm mới đây, đại diện hơn 50 doanh nghiệp lữ hành trong cả nước, các chuyên gia du lịch đến từ các trường đại học, cao đẳng đã có dịp tham quan các di tích lịch sử - văn hóa tiểu biểu của tỉnh, như: Địa đạo Tam giác sắt, Chùa Hội Khánh, Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một), làng tre Phú An (TX.Bến Cát), vườn trái cây Hồng Vân, Bảo tàng Fito (TP.Thuận An).... Đặc biệt, các thành viên trong đoàn Famtrip đã được hướng dẫn đến tham quan, trải nghiệm tại Công ty Gốm sứ Minh Long I (TP.Thuận An). Tại đây, các thành viên không chỉ được tìm hiểu về quy trình sản xuất để hình thành nên những sản phẩm gốm sứ cũng như thương hiệu Gốm sứ Minh Long I nổi tiếng. Đây cũng là một trong những sản phẩm quà tặng mà mỗi du khách đến với Bình Dương có thể mua về làm quà tặng sau chuyến du lịch của mình.
Theo TS. Trần Thị Thuỳ Trang - Trưởng Bộ môn Lữ hành, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Lang, Bình Dương có rất nhiều lợi thế, đặc biệt là về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch cũng như cơ sở lưu trú 3-5 sao. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch của Bình Dương khá đa dạng, ẩm thực phong phú, phù hợp với khẩu vị của các miền và du khách khi đến Bình Dương. Để thúc đẩy phát triển du lịch, một trong những điều mà Bình Dương cần quan tâm đó là tăng cường quảng bá nhiều hơn. Bình Dương cần tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch gắn với hình ảnh con người Bình Dương thân thiện mến khách; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trên cả nước để thu hút du khách đến Bình Dương. Ngoài ra, Bình Dương cần kết nối với các trường đại học để xây dựng nguồn nhân lực cho ngành du lịch.
Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, ngành Du lịch Bình Dương đã có sự chuyển biến tích cực. Năm 2022, ngành Du lịch Bình Dương đón 1,8 triệu lượt khách, đạt 120% kế hoạch năm, bằng 281,3% so với cùng kỳ, với doanh thu 1.400 tỷ đồng, đạt 116,7% kế hoạch năm. Riêng trong quý I/2023, ngành Du lịch thu hút khoảng 858.000 lượt khách, đạt 42,9% kế hoạch năm, tăng 128% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu đạt 430 tỷ đồng, tăng 135,7% so với cùng kỳ.
Ông Trần Tuấn Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, nhằm thúc đẩy, chung sức phát triển du lịch, công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch, giới thiệu các sản phẩm du lịch của hội viên luôn được Hiệp hội quan tâm và từng bước được thực hiện tốt. Thông qua các phương tiện truyền thông như báo, đài trong và ngoài tỉnh, website của Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, website của hiệp hội và các kênh thông tin khác… Hiệp hội đã thông tin, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch của hội viên đến với du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra, các hội viên trong hiệp hội còn ký kết với Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh tham gia hưởng ứng các gói kích cầu du lịch nội địa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, như: Kích cầu điểm đến, lưu trú, dịch vụ nhà hàng, lữ hành cho khách đến tham quan, kết hợp lưu trú và mua sắm... nhằm thu hút khách du lịch đến với Bình Dương. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh tăng cường liên kết và kết nối với các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch của Bình Dương nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Bình Dương, kết nối, liên kết để phát triển du lịch luôn được ngành Du lịch Bình Dương quan tâm, chú trọng. Thời gian tới, cùng với việc tập trung xây dựng, khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, gồm: tham quan làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái, tham quan tìm hiểu các di tích, khu công nghiệp, nhà máy… ngành Du lịch Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội, các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh tổ chức đón các đoàn khách đến Bình Dương tham quan trải nghiệm các điểm đến trên địa bàn tỉnh; Đồng thời, tham gia các hoạt động liên kết, kết nối trong khai thác các chuỗi sản phẩm du lịch của Bình Dương cũng như của các tỉnh, thành trong vùng và cả nước.
Có thể bạn quan tâm