Bên cạnh chương trình khuyến mại, giảm giá, nhiều doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực để giữ giá tour đối với những đường tour khác trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng, đặc biệt là giá vé máy bay.
Cao điểm hè và cũng là cơ hội "bứt tốc" đang rất gần, các doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực kéo khách, chuẩn bị cho mùa du lịch hè sôi động bằng hàng loạt chương trình ưu đãi cả tour nội địa và quốc tế.
Đánh giá về tiềm năng của du lịch hè năm nay, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, hè năm nay được coi là mùa vàng của du lịch Việt Nam, sẽ tạo sức bật cho du lịch của cả năm. Với các hoạt động quảng bá, chương trình kích cầu, du lịch hè 2023 dự báo sẽ đón lượng khách lớn, góp phần quan trọng để du lịch Việt Nam có thể đón hơn 100 triệu lượt khách quốc tế và nội địa như mục tiêu đã đề ra.
Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Du lịch Vietravel cho biết, chương trình khuyến mãi Hè 2023 vẫn đang áp dụng với các tour khởi hành từ nay tới ngày 31-8, tổng giá trị chương trình 15 tỉ đồng. Du khách "mua sớm - giảm sâu" ưu đãi lên đến 1,5 triệu đồng/khách; đăng ký tour theo nhóm; mua tour trả góp qua ứng dụng của Vietravel…
Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, để chào hè, doanh nghiệp đã triển khai một số hành trình siêu khuyến mãi với mức giảm đến 50% cùng nhiều voucher và quà tặng du lịch hấp dẫn, với chất lượng dịch vụ không thay đổi.
Giá vé máy bay là rào cản khiến chi phí du lịch trong nước tăng cao
Mặt khác, đại diện các doanh nghiệp du lịch cũng đang vô cùng lo lắng trước tình trạng giá vé máy bay tăng giảm bất thường, ảnh hưởng trực tiếp tới "độ nóng" của mùa hè năm nay.
Có một nghịch lý là rất nhiều hãng hàng không đang đẩy mạnh khuyến mại giá vé máy bay cho các đường bay từ Việt Nam đi nước ngoài, thậm chí là giá vé 0 đồng đi Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, trong khi ở các đường bay nội địa tới các điểm đến du lịch trong nước, giá vé lại tăng cao. Điều này đang trở thành rào cản khiến chi phí đi du lịch trong nước cao hơn nước ngoài.
Do đó, du khách thường lựa chọn địa điểm nghỉ dưỡng, vui chơi tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á với mức giá vé máy bay "dễ chịu" hơn trong nước rất nhiều. Đặc biệt, trong bối cảnh các điểm đến như Thái Lan, Bali (Indonesia), Trung Quốc đang "đua nhau" kích cầu, giảm giá để kéo khách Việt thì du lịch trong nước khó tránh bị cạnh tranh.
Theo thông tin mới nhất, Chính phủ cho rằng chưa thể bỏ mức giá trần đối với vé máy bay bởi nếu bỏ giá trần, các hãng sẽ đưa ra giá vé rất cao, nhất là một số tuyến cạnh tranh sẽ hạn chế vé trong giai đoạn cao điểm. Điều này có thể ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực xã hội. Do đó, chúng ta vẫn có thể kiểm soát và điều tiết giá vé máy bay trong một mức sàn/ mức trần nhất định, nhằm khuyến khích cạnh tranh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ.
Ngay lúc này, để du lịch trong nước không mất lợi thế, việc duy trì ổn định giá tour và quan trọng là ổn định giá vé máy bay rất cần thiết. Theo đó, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa hãng hàng không, công ty du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch và cao hơn là chính sách chung của nhà nước hỗ trợ cho ngành du lịch để có chương trình kích cầu du lịch quy mô đủ lớn, đủ hấp dẫn.
Có thể bạn quan tâm
02:00, 19/05/2023
00:10, 19/05/2023
02:30, 18/05/2023
00:06, 18/05/2023
03:00, 16/05/2023