Văn hóa Việt Nam sẽ làm nên những điều khác biệt trong hành trình du lịch trải nghiệm của mỗi du khách.
>>Kết nối du lịch Phú Thọ - Tây Bắc
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch văn hóa được xác định là 1 trong 13 ngành được thúc đẩy phát triển. Chiến lược cũng xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp du lịch văn hóa, trong đó kỳ vọng đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.
Thực tế cho thấy, các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương đã kéo theo doanh thu du lịch lữ hành quý I tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước, ước đạt 6.800 tỷ đồng. Quý I/2023, Việt Nam đón xấp xỉ 2,7 triệu lượt khách quốc tế, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 3 tháng đầu năm đạt 161.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu của một số địa phương tăng đáng kể như Đà Nẵng tăng 73,5%, Quảng Ninh tăng 43,1%, Cần Thơ tăng 42,4%, TP.HCM tăng 37,2%, Hà Nội tăng 12,5%... Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay với kỳ nghỉ dài ngày được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho du lịch Việt Nam sau thời gian dịch bệnh kéo dài.
Đến Việt Nam, du khách không ngừng tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ và độc đáo. Thông qua các hoạt động khám phá văn hóa bản địa và trải nghiệm những nhét đẹp văn hóa của người dân nơi đến. Điều này cho thấy chính văn hóa Việt Nam sẽ làm nên những điều khác biệt trong hành trình du lịch trải nghiệm của mỗi du khách.
Du lịch và di sản văn hoá là môi quan hệ cộng sinh. Di sản văn hoá là tài nguyên du lịch tạo sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch. Di sản chính là động cơ để nảy sinh nhu cầu tìm hiểu văn hóa, là những trải nghiệm mới đối với khách du lịch. Theo đó, du lịch sẽ phát huy giá trị di sản văn hoá và tạo sức sống cho di sản văn hoá.
Ông Phạm Văn Thủy – Phó Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch nhấn mạnh, văn hóa đi đến đâu thì quốc gia, dân tộc đi đến đó. Do vậy, phát triển văn hóa để trở thành tài nguyên du lịch là vô cùng quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
“Chúng ta đã lưu giữ được các di sản văn hóa đặc sắc, riêng có của dân tộc. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên việc khai thác các di sản văn hóa trở thành hàng hóa, công nghiệp văn hóa để phát triển du lịch là đặc biệt quan trọng”, ông Thủy khẳng định.
>>Xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài
Nhiều địa phương trong cả nước đã hình thành các sản phẩm du lịch mang dấu ấn văn hóa riêng của từng dân tộc, có thể kể đến người Hmông, người Dao, người Xa Phó, người Tày trên đỉnh núi Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Tà Xùa (Sơn La)...;
Một số mô hình phát triển du lịch đã hình thành và hoạt động khá hiệu quả, điển hình là các khu du lịch cộng đồng như: người Thái ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); người Hà Nhì ở xã Y Tí (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); người Mường ở Bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình); ….
Nhiều sản phẩm du lịch di sản đã trở thành thương hiệu đặc trưng cho du lịch Việt Nam. Đặc biệt, di sản văn hoá còn là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt cho hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch của Việt Nam, kết nối và đa dạng hoá các tuyến du lịch xuyên vùng và quốc tế. Ví dụ như hiện nay các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên đã có trên 170 điểm du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, có sự liên kết giữa các địa phương, các vùng, trong đó phải kể đến tuyến du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; “Con đường di sản miền Trung”; “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên”;…
Tất cả điều đó đã chứng minh được sự tác động tích cực của các di sản đến với ngành du lịch, hoạt động du lịch của các địa phương, của các vùng nói riêng và của Việt nam nói chung.
Đón đầu sự tăng trưởng của ngành du lịch trong thời gian tới trước những cơ hội phục hồi chưa từng có, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết, ngành du lịch nói chung và Tổng cục Du lịch nói riêng sẽ truyền thông các chính sách đến với tất cả các doanh nghiệp đưa khách đi và đón khách đến với Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, nhất là Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đưa khách đến với Việt Nam, đảm bảo yếu tố cần và đủ để khách đến khám phá.
Ngay trong tháng 4 này, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023 với chủ đề “Du lịch văn hóa” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức sẽ là một hoạt động nhằm kích cầu thị trường du lịch quốc tế.
Với các sự kiện và chương trình văn hóa, lễ hội hấp dẫn sẽ góp phần đưa du lịch trở thành một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp văn hóa. Trong đó, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Việt Nam sẽ được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, góp phần quảng bá, giới thiệu về nét đẹp văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của Việt Nam đến quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Thổi hồn văn hóa vào du lịch nông thôn
01:00, 06/04/2023
Tín hiệu khởi sắc từ thị trường du lịch Trung Quốc
02:00, 05/04/2023
Kết nối du lịch Phú Thọ - Tây Bắc
03:30, 04/04/2023
Hợp tác truyền thông chặt chẽ vì sự phát triển của Du lịch Thủ đô
08:03, 04/04/2023
Hải Phòng: “Căng buồm” đón mùa du lịch biển
03:10, 04/04/2023