“Sức khoẻ” đầu tàu và bài toán cấu trúc kinh tế địa phương

Diendandoanhnghiep.vn Câu chuyện người lao động từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… tản cư, về quê tránh dịch COVID-19 chưa bao giờ được quan tâm, dõi theo như trong bối cảnh hiện nay.

Và, đằng sau đó, với số lượng hàng nghìn công dân di tản về quê cũng trở thành vấn đề thách thức cũng như dịp để mỗi địa phương tái cấu trúc lại nền kinh tế vĩ mô, tránh phụ thuộc quá nhiều vào những đầu tàu như suốt nhiều thập kỷ qua.

Không thể phủ nhận, để tạo đà cho kinh tế phát triển, từng bước nâng tầm vị thế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng… suốt nhiều năm qua được xem như đầu tàu kinh tế của cả nước. Chỉ cần đối chiếu các chỉ số tăng trưởng đã cho thấy sự lệch pha về tốc độ phát triển của từng địa phương so với các đầu tàu nền kinh của đất nước quá rõ ràng trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Hàng năm, những tỉnh, thành phố nói trên luôn duy trì danh sách đứng đầu về thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư.

Các “sếu đầu đàn” cũng lựa chọn, “làm tổ” ở những địa phương có nền kinh tế sôi động, cơ chế chính sách thông thoáng, ổn định về chiến lược vĩ mô. Không chỉ người lao động phổ thông mà các nhà khoa học, chuyên gia cũng đã lựa chọn các thành phố năng động để sống và làm việc, ổn định dài lâu. 

Theo số liệu báo cáo của Sở Tài chính TP HCM, trong năm 2020, thu ngân sách Nhà nước của thành phố đạt 371.384,589 tỷ đồng, đạt 91,51% so với dự toán (405.828 tỷ đồng) và giảm 9,40% so cùng kỳ (409.923,434 tỷ đồng). Về thu ngân sách địa phương (không kể số thu kết dư, chuyển nguồn từ năm trước) là 69.978,410 tỷ đồng. Đây cũng là con số mà nhiều tỉnh, thành khác trên địa bàn cả nước mơ ước và nếu muốn sánh vai thì chưa biết bao giờ mới làm được.

Chiều 04/10, hơn 500 công dân ở các tỉnh, thành phía Nam trở về quê để tránh dịch COVID-19

Chiều 04/10, hơn 500 công dân ở các tỉnh, thành phía Nam trở về quê để tránh dịch COVID-19. Trước đó, từ thời điểm cuối tháng 7 đến nay, Nghệ An cũng là một trong những tỉnh đã đón hàng chục nghìn lượt công dân về quê theo nhiều kênh khác nhau.

Ngay như tỉnh Nghệ An, thống kê thu ngân sách Nhà nước trong năm 2020 cũng mới chỉ đạt hơn 17.000 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách gần 30.000 tỷ đồng. Nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung như Nghệ An lâu nay luôn ở trong kịch bản chi vượt thu ngân sách hàng năm và chưa biết đến bao giờ mới cân đối, giảm phụ thuộc vào sự điều tiết từ Trung ương.

Và, với cơn “dư chấn” bởi tác động của đại dịch COVID-19 xảy ra suốt nhiều tháng qua tại TP HCM, dĩ nhiên là con số thu ngân sách Nhà nước trong năm 2021 không thể có “điệp khúc” năm sau cao hơn năm trước nữa, nhưng những gì mà thành phố mang tên Bác Hồ đóng góp thì không thể phủ nhận. Nói như vậy là bởi tác động của dịch COVID-19 nên “sức khoẻ” của đầu tàu nền kinh tế đất nước là TP HCM sẽ giảm sút.

Tuy nhiên, theo số liệu của Cục thống kê TP HCM công bố trong 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù tác động bởi dịch COVID-19 nhưng địa phương vẫn duy trì cán cân thu vượt chi ngân sách Nhà nước. Cụ thể, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa thành phố lũy kế 8 tháng năm 2021 ước thực hiện 255.687 tỷ đồng, đạt hơn 70% dự toán được giao và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương chưa tính tạm ứng lũy kế 8 tháng năm 2021 ước thực hiện 53.921 tỷ đồng, mới đạt 40,3% dự toán và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu trên cho thấy rằng, chắc chắn sẽ có không ít lo lắng cho TP HCM phải mất một thời gian nhất định để có thể phục hồi đà tăng trưởng như cũ. Vấn đề này thời gian ngắn hay dài cũng tuỳ thuộc vào việc tái cấu trúc nền kinh tế từ vi mô đến vĩ mô của nhiều thành phần.

Bởi qua các đợt di cư của hàng nghìn lượt lao động hồi hương, không ít chuyên gia dự báo về bức tranh khủng hoảng nguồn lao động cho thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước. Nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đang ngồi trên đống lửa với bài toán làm sao kéo lao động trở lại làm việc, vận hành dây chuyền sản xuất kinh doanh. Kéo theo đó, nỗi lo về tăng trưởng, về cơ cấu nền kinh tế sẽ đi theo quỹ đạo nào?

Phân tích như vậy để thấy rằng cơ chế vận hành nhất định phải có nhiều cuộc ngồi bàn tròn với nhau để tìm giải pháp, thống nhất phương hướng giải quyết. Đó là câu chuyện không riêng gì của TP HCM mà các địa phương khác cũng cần áp dụng lời giải phù hợp cho bài toán giải quyết việc làm cho công dân khi họ trở về quê hương, bản quán.

Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng, chi ngân sách vẫn còn phụ thuộc vào sự điều tiết của Trung ương suốt nhiều thập kỷ qua

Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng, chi ngân sách vẫn còn phụ thuộc vào sự điều tiết của Trung ương suốt nhiều thập kỷ qua (ảnh: Ngọc Thái)

Chính phủ lâu nay luôn quan tâm, đốc thúc các tỉnh nghèo, địa phương chưa cân đối được nguồn thu-chi để làm sao có nhiều đầu tàu kinh tế của đất nước. Và, đây cũng là dịp để các tỉnh, thành nhìn lại về bức tranh cấu trúc nền kinh tế của mình trong suốt thời gian qua.

Vì sao con em quê hương phải ly hương, tha phương cầu thực nơi khác nhiều đến vậy? Vẫn biết rằng, sẽ có địa phương “thiên không thời, địa không lợi” nhưng đó là yếu tố mang tính khách quan vẫn có thể khắc phục bằng nguồn nhân lực.

Thực tế cho thấy, ở bất kỳ quốc gia nào nếu coi trọng đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp thì sẽ làm nên những thành tựu về mọi mặt. Bằng chứng là nhiều quốc gia trên thế giới mặc dù không được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tài nguyên có sẵn nhưng nhờ cơ chế chính sách linh hoạt, họ đã sớm bứt phá đi lên, trở thành nền kinh tế nổi trội.

Vì vậy, ở góc độ nhìn từ những cuộc di cư trở về quê trong thời gian qua, các địa phương cũng cần sớm vận hành cơ chế tái cấu trúc lại nền kinh tế của địa phương. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, thay đổi mạnh mẽ cơ chế chính sách, dẹp bỏ tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh” để mời gọi những “sếu đầu đàn” trở về.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Sức khoẻ” đầu tàu và bài toán cấu trúc kinh tế địa phương tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711708144 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711708144 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10