Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành, hàng loạt các ngân hàng thương mại đã thay biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên mức hấp dẫn hơn ở các kỳ hạn.
>>Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất phù hợp với kỳ vọng
Lãi suất huy động ồ ạt tăng
Mới đây, NHNN đã quyết định nâng các loại lãi suất điều hành thêm 1%/năm nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ. Cụ thể, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng từ 6%/năm lên 7%/năm.
Trước động thái này, chiều tối 25/10 và sáng 26/10, hàng loạt các ngân hàng đã thay biểu lãi suất mới, nâng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên mức hấp dẫn.
Ở kỳ hạn 1-3 tháng, mức lãi suất được duy trì từ 4-6%/năm, nhiều ngân hàng nâng lên mức trần 6%/năm tại Nam A Bank, BVB và Bac A Bank, NCB, SHB, KLB và LPB…
Đối với kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất được nâng lên từ 5-7,9%/năm, các ngân hàng ghi nhận mức trần như BVB, Bac A Bank, PvcomBank… Trong khi đó, kỳ hạn 12 tháng được duy trì từ 5,6-8,5%/năm.
Không chỉ ở kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, mà một số ngân hàng sau khi thay đổi biểu lãi suất mới đã nâng lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn. Như tại Sacombank, từ ngày 25/10/2022, ngân hàng này tăng mạnh lãi suất từ 1,4-1,5 điểm phần trăm đối với các kỳ hạn từ 1- 5 tháng, dao động từ 5,6-6%/năm khi gửi tiền tại quầy. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6-11 tháng cũng tăng lên mức 7-7,25%/năm và kỳ hạn 12 tháng tăng lên mức 7,3%/năm.
Hay Nam A Bank đã tăng hẳn 1 điểm phần trăm tất cả các kỳ hạn từ ngày 26/10/2022. Đối với khoản tiền dưới 500 tỷ đồng, nhà băng này áp dụng mức lãi suất dưới 3 tháng là 6%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 6,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng được nâng lên 8,5%/năm.
Còn ngân hàng OCB tăng lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 1-3 tháng lên mức 5,7%/năm và 5,9%/năm; kỳ hạn 6 và 12 tháng lên 6,8%/năm và 7,5%/năm; kỳ hạn 36 tháng lãi suất là 7,8%/năm. Lãi suất tiền gửi online tại OCB cũng tăng lên, kỳ hạn 12-24 tháng tăng lên 7,8%/năm; kỳ hạn 36 tháng lên cao nhất là 7,85%/năm.
SeABank cũng tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng thêm 1%/năm lên đồng loạt ở mức 5,7%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6-11 tháng tăng lên mức 6,7-6,85%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6,9%/năm; kỳ hạn từ 24 đến 36 tháng tăng mạnh lên mức 7,4%/năm.
Tuy nhiên, các ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank vẫn giữ mức lãi suất tiền gửi cũ. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng là 4,1%/năm, kỳ hạn 4 tháng là 4,4%/năm và 6 - 9 tháng nâng lên 4,7 - 4,8%/năm, trong khi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên áp dụng mức 6,4%/năm.
>>Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND
Tác động tới nền kinh tế
Có thể thấy, việc tăng lãi suất điều hành giúp giảm áp lực lên hệ thống tiền tệ cũng như giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam trong bối cảnh đồng USD tăng giá kỷ lục.
Theo chia sẻ trên Diễn đàn Doanh nghiệp của nhóm chuyên gia kinh tế tại Maybank IBG, sự quan tâm đối với việc tăng lãi suất của NHNN hoàn toàn phù hợp với kỳ vọng, nhằm giảm thiểu các rủi ro trước áp lực lạm phát nhập khẩu do mất giá tiền tệ.
“Chúng tôi cho rằng áp lực giảm giá đối với VND sẽ tiếp tục bất chấp quyết định mới nhất của NHNN, vì Fed vẫn tỏ ra "diều hâu" và kiên quyết trong quyết tâm kiềm chế lạm phát (bằng các động thái nâng lãi suất). Hiện tỷ giá USD/VND giao ngay đang chạm đỉnh biên độ giao dịch của NHNN vào thứ Sáu tuần trước, và vẫn duy trì tại mức đó tính đến ngày hôm qua 24/10. Sự can thiệp tỷ giá hối đoái để duy trì VND trong biên độ giao dịch mà NHNN cũng vừa điều chỉnh nâng lên mới đây, có thể sẽ gây thêm áp lực lên dự trữ ngoại hối, mà chúng tôi ước tính là còn ít hơn hơn 90 tỷ đô la vào tuần trước (chỉ hơn 3 tháng nhập khẩu).
Nếu biên độ giao dịch tỷ giá tiếp tục chịu áp lực, có thể có trường hợp giảm giá VND thực tế ít nhất 1%, chẳng hạn như thông qua điều chỉnh trên cơ sở độ nhạy của tỷ giá tham chiếu USD/VND theo thị trường. Điều này sẽ cần thiết để bảo toàn "nhiệt độ" đối với dự trữ đang bị thu hẹp”, nhóm chuyên gia phân tích.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến Thiết cho rằng, nếu so sánh với mặt bằng chung của thế giới, thì mức tăng lãi suất của Việt Nam hiện nay mới chỉ bắt đầu và quá trình này có thể diễn ra trong thời gian tới, nhưng mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn là một trong những mức thấp trong nhiều năm nay. Hiện mức lãi suất của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và nhiều nước trong châu Á đã có xu hướng tăng lên từ đầu năm 2022 do đó sự điều hành của NHNN Việt Nam vừa qua là phù hợp.
“Thực tế thời gian qua, lãi suất liên ngân hàng đã tăng khá nhiều, điều này phản ánh thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã gặp một số vấn đề nhất định. Song, với hoạt động tái cấp vốn của NHNN thì về cơ bản hệ thống vẫn duy trì ổn định. Còn mức lãi suất cho vay, chúng tôi thấy sau khi lãi suất huy động tăng lên trong thời gian qua, thì lãi suất cho vay cũng có xu hướng tăng gần đây. Việc lãi suất cho vay tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, làm chi phí vốn tăng, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào và biên lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông Bảo giải thích.
Có thể bạn quan tâm
12:40, 25/10/2022
12:30, 25/10/2022
20:30, 24/10/2022