Ùn ứ và nếu có hành khách bị lỡ chuyến tại sân bay cũng sẽ là lỗi của các hãng hàng không, sẽ không có một hành khách nào bị lỡ chuyến vì lỗi của an ninh soi chiếu.
Đó là khẳng định của ông Phạm Vũ Cường - Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, với báo chí liên quan tới những ồn ào về “tắc nghẽn” tại Sân bay Tân Sơn Nhất trong những ngày qua.
“Lỗi” thuộc về các hãng hàng không…
Theo ông Cường, "nếu có hành khách bị lỡ chuyến tại sân bay cũng sẽ là lỗi của các hãng hàng không, sẽ không có một hành khách nào bị lỡ chuyến vì lỗi của an ninh soi chiếu".
Cũng theo ông Cường, lực lượng an ninh làm nhiệm vụ soi chiếu khá căng thẳng vì cổng từ, phóng xạ không phải là đơn giản. "Do đó, đừng nghĩ anh em ngồi đó sung sướng để hành khách hàng". - ông Cường nói.
Giả thích về sự ùn tắc xảy ra ở khâu soi chiếu khiến khách hàng bức xúc, ông Cường cho rằng: “Nếu quá tải mới phải nói chứ ngày 500 - 600 chuyến bay thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, oái ăm chuyến bay dồn vào nhà ga quốc nội. Ga quốc tế thì trống như chùa Bà Đanh. Nhìn thấy mà đau xót. Tài sản như thế mà vẫn bảo trì bảo dưỡng nhưng không kiếm được đồng xu nào".
Theo ông Cường, một giờ là 42 - 46 chuyến, trước kia là nửa quốc tế và nửa quốc nội, san ra cho 2 nhà ga vẫn khai thác thoải mái. Bây giờ quốc tế bay cực kỳ hạn chế, nên toàn bộ slot dồn vào ga quốc nội.
Ngày xưa khai thác 20 chuyến đi/giờ, giờ Cục Hàng không ép lên 24 chuyến/giờ. Trong khi các hãng bay nước ngoài không được nên bán hạ giá. Trước dịch bệnh người ta không đi, giờ quản lý dịch tốt rồi, vé máy bay, tour du lịch hạ giá... nên đi nhiều.
Vấn đề là slot cấp một đằng, các hãng bay một nẻo. Các hãng bay không tuân thủ slot. Khung giờ đã được cấp không quá tải, hãng lại không bay. Hãng lấy lý do trễ chuyến do delay, từ 5h đến 6h xin chuyển sang 6h30 mới bay vì khách trễ chuyến, xăng dầu trục trặc... để lùi giờ ra.
Và vì không tuân thủ slot cục cấp nên có những lúc lên đến 26 chuyến/giờ. Trước kia có chuyến dùng máy bay ATR72 với 70 khách, giờ bay đường trục Hà Nội - TP.HCM các hãng đều vác Boeing 787, Airbus A350 khai thác với 300 khách/chuyến.
Theo cấp phép, sảnh A chỉ thông qua an ninh 1.700 khách/giờ, sảnh B 1.600 khách/giờ. Nhưng thực tế tối đa sảnh A đã lên tới 2.400 - 2.700 khách. Vậy làm sao không quá tải được, khi cơ sở hạ tầng có hạn. Do đó, nếu các hãng tuân thủ slot, các chuyến sau bị dồn không? Có ai tìm hiểu hệ số đúng giờ của các hãng là bao nhiêu rồi từ đó mới hỏi đến người quản lý cơ sở hạ tầng? Chính những cái lách để kinh doanh, kiếm thêm khách khiến thiệt hại, trách nhiệm, dư luận đổ lên đầu người quản lý cơ sở hạ tầng. Không ai nhìn ra vấn đề đó để đặt vấn đề với Cục Hàng không về việc cấp slot, hãng bay thực hiện slot ra làm sao.
"Cảng không được động vào slot. Vì slot quản lý của cục, để các hãng lên xin. Khai thác sân bay nhưng chúng tôi không được cấp slot. Hãng bay được cấp slot một đằng, thực hiện một nẻo. Nơi cấp cũng chả chế tài... Cuối cùng trách nhiệm đổ về người quản lý cơ sở hạ tầng". - ông Cường nói.
… và do dồn chuyến
Giải thích thêm về việc ùn tắc, ông Cường cho rằng, các hãng không thực hiện đúng slot và không khai báo mỗi chuyến là bao nhiêu khách. Thậm chí, ngay cả giờ chót, hãng bán thêm vé, nâng tổng số khách lên. Các hãng rất linh hoạt để kiếm tiền, có chuyến bảo máy bay hỏng nên dồn khách nhưng không hề thông báo cho cảng. "Nó có nhiều nguyên nhân từ việc không thực hiện đúng, đến lượng khách tăng cao, ngoài dự báo. Tất cả chuyện này cộng vào nên xảy ra ùn tắc... " – ông Cường nói.
Do đó, để giải quyết câu chuyện này, ông Cường cho rằng, “thứ nhất là các hãng phải thực hiện đúng slot được cấp. Thứ hai, phối hợp giữa 6 hãng với cảng để điều phối ở các khung giờ cao điểm. Thứ ba, tăng cường nhân lực 100% để phục vụ cao điểm. Thứ tư là ý thức của hành khách, đặc biệt là tuân thủ 5K” – ông Cường nhấn mạnh.
Trước đó, qua ý kiến các đơn vị liên quan về việc “tắc nghẽn” tại sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị ACV chỉnh đốn lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất, chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch trong thời gian tới, không để xảy ra ùn ứ ở khu vực soi chiếu an ninh. "Tăng công suất từng dây chuyền một, huy động đủ người". Và việc dồn chuyến của các hãng cũng sẽ bị xử lý.
Về khai báo y tế, thống nhất an ninh hàng không không kiểm tra nữa mà chủ yếu nhắc người vào nhà ga phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ. Đề nghị giảm thời gian soi chiếu lâu nhất là 45 giây/người.
"Các hãng thực hiện kiểm tra, chịu trách nhiệm việc khai báo y tế và lưu dữ liệu của hành khách, lưu số điện thoại và địa chỉ hành khách kể cả qua bán vé online để giảm thiểu thời gian chờ làm thủ tục ở nhà ga" - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chỉ đạo.
Có thể bạn quan tâm
06:15, 21/04/2021
12:50, 20/04/2021
17:00, 17/04/2021
05:30, 14/04/2021
11:00, 05/04/2021
11:30, 27/03/2021
13:22, 24/03/2021
05:30, 18/03/2021