Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình và cải thiện chất lượng tăng trưởng, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.
>>09/12/2021: Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp
Thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, còn có thể kéo dài và có những yếu tố bất định, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước bối cảnh đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới. Nhìn lại 5 năm qua (giai đoạn 2016-2020) sẽ góp phần nhìn nhận và đánh giá để việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới chuyển biến tích cực và thực chất hơn.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả quan trọng với 17/22 mục tiêu đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai.
Kết quả thực hiện Kế hoạch đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình và cải thiện chất lượng tăng trưởng, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79% cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42% cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%.
Việt Nam đã có 4 năm liên tiếp 2016 - 2019 cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước, tạo đà để Việt Nam đứng vững trong sóng gió. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng vẫn đạt 2,91%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Phân tích kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Phó giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng dù vẫn còn có những mặt tồn tại, nhưng công tâm đánh giá, 5 năm qua là 5 năm thành công về phát triển kinh tế của Việt Nam.
Dấu ấn không thể không nhắc đến trong nhiệm kỳ qua đó là thành tựu của quá trình hội nhập quốc tế. Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần Việt Nam là bạn và đối tác với mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã tích cực đàm phán và ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế. Đó là, cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu đề ra. Hiệu quả đầu tư công chưa cao; giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn vướng mắc, nhất là vốn ODA. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp.
Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn hạn chế; Thu ngân sách nhà nước chưa bền vững. Việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công còn bất cập; nợ công còn tiềm ẩn rủi ro. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công vẫn còn tồn tại...; Khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp. Hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước chưa cao.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trước những han chế nêu trên cùng với bối cảnh phức tạp hiện nay, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần phải được thực hiện với các mục tiêu cụ thể và các giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Như vậy, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không phải là một kế hoạch mới, mà là bước tiếp nối và cụ thể hóa, gắn với điều kiện cụ thể của giai đoạn tới.
Bối cảnh thế giới và trong nước thay đổi sâu sắc sau dịch bệnh COVID-19 yêu cầu Việt Nam phải thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Bởi lẽ, nếu trì hoãn hoặc chậm tái cơ cấu nền kinh tế thì Việt Nam sẽ rất khó để thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng những lợi ích từ hội nhập quốc tế....
Có thể bạn quan tâm
09/12/2021: Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp
16:53, 03/12/2021
DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 16): Tái cấu trúc thị trường đào tạo lao động
03:30, 18/11/2021
Tái cấu trúc lao động nông thôn: Thị trường lao động "tê liệt"
03:30, 31/08/2021
Tái cấu trúc lao động nông thôn: Xây đội ngũ “công nhân nông nghiệp”
11:00, 31/08/2021