TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Kỳ vọng lãi suất huy động giảm sớm

LÊ MỸ 15/01/2023 11:00

Khác với những lo ngại trước đó về khả năng lãi suất huy động vẫn tiếp tục neo ở mặt bằng cao, hiện các điều kiện đối với kỳ vọng giảm lãi suất đang dần sáng sủa hơn...

>>Cần thiết đặt mục tiêu giảm lãi suất trong năm 2023

Kỳ vọng lãi suất huy động giảm sớm đang phụ thuộc vào hạ kỳ vọng lạm phát. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Giảm áp lực từ... Fed

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 12/2022 có thể nói là thông tin sáng sủa nhất đối với kỳ vọng giảm lãi suất của nhiều nền kinh tế.

Cụ thể, số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ vừa công bố đã giảm 0,1% trong tháng 12/2022, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2020.  Trước đó, tháng 11, CPI tăng 0,1%. Reuters cho rằng đây là chỉ dấu đồng nghĩa với lạm phát tại Mỹ đang có xu hướng giảm bền vững.

Với việc lạm phát đang hạ nhiệt, các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục thu hẹp tốc độ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra vào ngày 31/1 và 1/2 tới đây, với mức tăng có thể thấp hơn nhiều so với các lần tăng lãi suất trước. Nhiều nhà kinh tế tin rằng mức tăng 25 điểm cơ bản là phù hợp cho một lộ trình vừa ứng phó với lạm phát, vừa đủ để nền kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái như lo ngại.

Nếu Fed chỉ sử dụng mức 25 điểm cơ bản cho các đợt tăng lãi suất trong năm 2023, đồng bạc xanh hay Dollar-Index có thể sẽ còn giảm. Và điều này mặc nhiên giảm bớt áp lực, không nhỏ, đối với việc điều hành tỷ giá hối đoái, ứng phó với nguy cơ mất giá đồng nội tệ cũng như là điều chỉnh lãi suất điều hành của nhiều ngân hàng trung ương tại các quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, kỳ vọng Fed hạ nhiệt tăng lãi suất không đồng nghĩa áp lực với tỷ giá và lãi suất đã được giải trừ. Bởi vào năm ngoái 2022, sau các đợt tăng lãi suất, Fed đã nâng lãi suất cơ bản lên tới 4,25%. Trong khi đó, lạm phát của Mỹ tuy tạm thời bớt nóng, nhưng CPI cả năm của Mỹ cả năm 2022 vẫn tăng 6,5%, mức rất cao so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Phố Wall tin rằng Fed chắc chắn sẽ còn thêm vài đợt tăng lãi suất nữa cho đến khi chỉ số CPI này sẽ thực sự hạ xuống.

>>Chính sách tiền tệ 2023: Dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất

Ngay cả như vậy thì đây vẫn là thông tin tích cực với các nhà điều hành tiền tệ của Việt Nam, khi trong năm vừa qua, việc tìm điểm cân bằng giữa áp lực của tỷ giá và lãi suất là quá chênh vênh, khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải sử dụng tới 200 điểm cơ bản cho 2 đợt nâng lãi suất điều hành. Và điều này sẽ trở lại thuận lợi trong bối cảnh tỷ giá VND/USD đã về mức "dễ thở", với kiều hối trên thị trường cuối năm vẫn khá, đi cùng là các nguồn ngoại tệ khác. Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu triển khai chào mua, củng cố lại dự trữ ngoại hối quốc gia dày hơn để ứng phó, dự phòng cho tương lai.

NHTM: Lãi suất huy động đã được "kìm hãm"?

Ghi nhận chung trên thị trường cho thấy trong những ngày cuối năm, mặt bằng lãi suất huy động cơ bản đã được "đóng khung" quanh mức dành cho kỳ hạn từ 6 tháng trở lên ở 9,5%, là mức cao nhất mà các NHTM đã cam kết với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vào đầu tháng 12/2022. 

Hiện lãi suất huy động cao nhất được niêm yết trên biểu, xét trên toàn hệ thống đang thuộc về ngân hàng NCB với 9,7%/năm. Ngoài ra, NCB có chương trình cộng thêm 0,2% lãi suất so với biểu lãi suất online khi gửi trên NCB iziMobile và dành cho khách hàng gửi tiết kiệm lần đầu tiên tại NCB. 

Trong khi đó, SCB, ngân hàng đang được NHNN kiểm soát đặc biệt, đã "tuột" ngôi lãi suất huy động, với mức niêm yết cao nhất dành kỳ hạn 13 tháng, gửi tại quầy đúng 9,5%. 

9,2%-9,5% cũng là khoảng dao động lãi suất dành cho các kỳ hạn 6-36 tháng, áp dụng tại Saigonbank. Còn Techcombank thì áp dụng mức này trên biểu cho lãi suất tiết kiệm thường, tùy thuộc các hạn mức gửi tiền khác nhau...

Bên cạnh đó, cần nhớ rằng cách đây chưa lâu NHNN đã ra yêu cầu các NHTM phải có báo cáo về cơ quan quản lý thị trường nếu tăng, giảm lãi suất, cũng là một yếu tố khiến các nhà băng phải thận trọng duy trì mặt bằng lãi suất như cam kết. Dù vậy, trên thị trường, vẫn có nhiều người gửi tiền "kháo nhau" về các mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm hấp dẫn ở ngân hàng C, ngân hàng B, ngân hàng S... với mức có thể từ 10,5%-11,5% cho các kỳ hạn từ 6 tháng - 1 năm, với điều kiện các khoản tiền gửi "đổ đồng" hoặc từ 1 tỷ trở lên. 

Một chuyên gia dẫn chia sẻ của Thống đốc NHNN – bà Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ ngày 03/01, tín dụng ước tăng khoảng 14.5% so với đầu năm; theo đó, dư nợ tín dụng đạt gần 11.96 triệu tỷ đồng trong năm 2022, tăng hơn 1.5 triệu tỷ đồng - là mức tăng dư nợ tín dụng lớn nhất trong 10 năm trở lại đây xét về giá trị tuyệt đối; trong khi ở chiều ngược lại, huy động tiền gửi thấp hơn - và cho rằng vẫn còn rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn trong hệ thống ngân hàng. Điều này khiến các ngân hàng phải tranh thủ tiếp tục hút tiền gửi tiết kiệm để sẵn sàng đáp ứng thanh khoản cho chu kỳ giải ngân mới, với room tín dụng khi được cấp ở 2023. 

Ông này cũng dẫn ví dụ về hiện tượng Vietcombank tăng kịch trần lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn dưới 6 tháng, chứng minh rằng khi các ngân hàng nhóm Big 4 tăng thêm lãi suất huy động, thì cơ hội để hút tiền gửi dân cư của các NHTM nhỏ hơn, "chiếu dưới" sẽ hẹp hơn, và theo đó giải pháp duy nhất nhất giữ chân người gửi tiền hoặc gửi mới, là neo lãi suất cao, hấp dẫn hơn.

Ngược chiều các dự báo lãi suất

Trong bối cảnh nhiều tín hiệu trái chiều như vậy, những dự báo của các tổ chức, định chế tài chính cũng đưa ra quan điểm khác nhau về đường đi của lãi suất trong 2023. 

Chẳng hạn, CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo NHNN sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm 2023. Cơ sở của dự báo là bước sang năm 2023, “cơn lốc” tăng lãi suất của các Ngân hàng trung ương toàn cầu được kỳ vọng sẽ tạm lắng, với triển vọng các bước tăng thấp hơn và mức độ dự đoán tốt hơn. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ các NHTM, VDSC cũng nhận định sẽ tiếp tục có sự phân hóa do cạnh tranh lãi suất huy động giữa các ngân hàng thương mại cổ phần để giải quyết vấn đề thanh khoản; cạnh tranh thu hút tiền gửi trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi đang dịch chuyển và người gửi tiền đã quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu ngân hàng nên chấp nhận gửi nơi có lãi suất thấp hơn để hạn chế rủi ro. (Điều này khá tương ứng với câu chuyện Vietcombank như đề cập ở trên).

Trong khi đó, báo cáo vĩ mô của các chuyên gia từ Maybank Group (Malaysia) nhận định, có thể với áp lực lãi suất vẫn còn với Fed và các đợt tăng lãi suất tiếp tục trong 2023, áp lực đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn. Do đó, khả năng NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành, có thể là 50 điểm cơ bản trong năm 2023 và diễn ra ngay trong quý 1.

Theo các chuyên gia của CTCK VBSC nhận định, thì quá trình tăng lãi suất ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6 năm 2023. Ngoài ra, sau sự việc liên quan đến ngân hàng SCB, NHNN đã khẳng định ưu tiên cao nhất của là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống. Tuy vậy, trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.

Các chuyên gia VBSC cho rằng, lãi suất huy động dự báo tăng thêm ít nhất 1-1,5% trong năm 2023, dù NHNN có thể sẽ không tăng lãi suất điều hành trong điều kiện thuận lợi. Mặt bằng lãi suất kỳ vọng sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu 2023 sẽ đi ngang và dần hạ nhiệt nửa cuối năm 2023.

Đáng chú ý, VBSC nhấn mạnh, lãi suất cho vay có độ trễ so với lãi suất huy động. Do đó, năm 2023 lãi suất cho vay được dự báo còn dư dịa tăng. Đây là một vấn đề mà các doanh nghiệp đang khá lo lắng khi kỳ vọng giảm lãi suất huy động chưa thể hiện thực sớm, thì kỳ vọng hạ lãi suất cho vay càng khó xảy ra.

Lu ý một số biến số liên quan đến lạm phát, cụ thế nhất là giá xăng dầu trên thị trường quốc tế trong 2023. Mặc dù ở trong nước, Bộ Công Thương khẳng định sẽ không thiếu nguồn cung xăng dầu trước, trong và sau Tết nguyên đán; cùng với đó kỳ điều hành giá tới đây rơi vào 30 tháng Chạp sẽ dời chuyển 10 ngày để phù hợp Lễ Tết, song không loại trừ bước điều hành kỳ tới có thể cộng hưởng cả diễn biến giá xăng dầu quốc tế cùng các biến số khác như Trung Quốc mở cửa và diễn biến dịch bệnh, sức mua hàng hóa tiêu dùng trong dịp Tết... ; chưa kể một số dự báo cho rằng giá dầu có thể trở lại mốc trên 100 USD/ thùng. Đó là những yếu tố còn biến động và cần theo dõi vì chắc chắn sẽ liên quan đến kỳ vọng lạm phát, cũng như kỳ vọng hạ lãi suất huy động lẫn cho vay.

Có thể bạn quan tâm

  • Tỷ giá, lãi suất và lạm phát sẽ chi phối kịch bản

    Tỷ giá, lãi suất và lạm phát sẽ chi phối kịch bản "xấu" của VN-Index trong 2023

    05:00, 12/01/2023

  • Lạm phát kỳ vọng và lãi suất điều hành có thể tăng trong quý đầu năm

    Lạm phát kỳ vọng và lãi suất điều hành có thể tăng trong quý đầu năm

    05:00, 02/01/2023

  • Đà Nẵng: Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất

    Đà Nẵng: Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất

    11:35, 30/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Kỳ vọng lãi suất huy động giảm sớm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO