Báo cáo tài chính quý 4/2017 của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), cho thấy lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 31 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 7 năm gần đây. Điều đó cho thấy công cuộc tự tái cơ cấu của NCB nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung đã có sự chuyển biến tích cực...
Theo Báo cáo tài chính, thu nhập lãi thuần đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng 17%. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 110 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2016. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng bớt lỗ hơn nhiều so với năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ dù không đóng góp nhiều vào lợi nhuận nhưng cũng tăng mạnh, đạt hơn 18 tỷ đồng, gấp 5 lần năm trước. Chỉ riêng hoạt động khác có lãi giảm 68% xuống 40 tỷ đồng.
Theo đó, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng không thay đổi nhiều và chi phí hoạt động tăng, nhưng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng vẫn đạt gần 31 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Riêng quý 4/2017 đóng góp gần 70% lợi nhuận cả năm với 20.6 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.
Tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản có đạt hơn 71.800 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với thời điểm đầu năm. Cho vay khách hàng và chứng khoán đầu tư chiếm tới 66% tổng tài sản có. Trong đó, cho vay khách hàng cán mốc 32.100 tỷ đồng (tăng 27%), còn chứng khoán đầu tư đạt 15.470 tỷ đồng (giảm 19%).
Đáng chú ý, tiền gửi tại NHNN của NCB tại thời điểm cuối năm tăng 44% lên 2.336 tỷ đồng. Tuy nhiên, NCB lại giảm khoản mục cho vay các TCTD khác, so với hồi đầu năm đã giảm mạnh 70% xuống chỉ còn 723 tỷ đồng. Huy động vốn từ tiền gửi của khách hàng tại thời điểm 31/12/2017 đạt hơn 45.700 tỷ đồng, tăng 9%.
Về nhân sự, tháng 11/2017 trước đó, ĐHĐCĐ bất thường của NCB đã thông qua việc bầu bổ sung 3 thành viên vào HĐQT, trong đó có ông Nguyễn Tiến Dũng - cựu Chủ tịch GAMI Group, được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thay vợ là bà Trần Hải Anh.
Công cuộc tìm kiếm cổ đông chiến lược của NCB cũng đang được tái khởi động lại, đã có rất nhiều định chế tài chính quốc tế quan tâm và đang bước vào giai đoạn cuối lựa chọn nhà đầu tư để đàm phán...
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, quyết định tự tái cơ cấu của NCB (trước đây là Ngân hàng Nam Việt) là quyết định đầy tính mạo hiểm. Tuy nhiên, với sự tham gia của các cổ đông mới và các cán bộ quản lý, điều hành mới là những người có nhiều kinh nghiệm về quản trị ngân hàng, hoạt động tái cấu trúc đã giúp công cuộc tái cơ cấu của ngân hàng đạt được những thành quả ban đầu...
Ban Lãnh đạo NCB xác định mục tiêu chiến lược trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ nên NCB đã tập trung mạnh cho một số phân khúc khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng cơ sở khách hàng, phát triển các sản phẩm đặc biệt. NCB cũng phát triển tín dụng tiêu dùng, cạnh tranh bằng tốc độ và chất lượng dịch vụ, khai thác phân khúc mà nhiều ngân hàng khác chưa khai thác.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, để đảm bảo một TCTD tự tái cấu trúc thành công cần hội tụ đủ 3 yếu tố thực. Một là dòng tiền thực, hay vốn bằng tiền mặt được bơm vào ngân hàng. Thứ hai là cơ cấu sở hữu cổ đông và quản lý thực, không bị lợi ích nhóm của bất cứ cổ đông nào điều khiển và chi phối. Thứ ba là Ban điều hành có năng lực thực, tâm huyết và dày dạn kinh nghiệm. Nhờ vận dụng những phương pháp này mà NCB đã gặt hái được những trái ngọt sau một thời gian dài tự cấu trúc...
Xung quanh vấn đề tái cơ cấu ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN cho biết: Trên cơ sở các kết quả đã đạt được của quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu trong giai đoạn vừa qua, NHNN đã xác định cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2017. Theo đó, NHNN đã xây dựng Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Hiện nay, NHNN đang hoàn thiện Đề án theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị. Trên cơ sở phê duyệt và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, trong năm 2017, NHNN sẽ xây dựng kế hoạch cũng như tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp tại Đề án.
Các ngân hàng tái cơ cấu lại trong thời gian tới bao gồm tất cả các TCTD, trong đó có cả các NHTM mua bắt buộc (ngân hàng 0 đồng). Về nguyên tắc là đảm bảo ổn định hệ thống và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Theo đó, các TCTD phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại. Riêng đối với các NHTM mua bắt buộc, NHNN đã có Đề án riêng trình Chính phủ, Bộ Chính trị.
Trong đó, các nhóm giải pháp cũng sẽ được chia thành các nhóm giải pháp cơ cấu lại các TCTD theo từng loại hình, bao gồm: Nhóm NHTM Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Nhóm NHTM Cổ phần, công ty tài chính và cho thuê tài chính; Nhóm TCTD nước ngoài; NH Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô...