Sức ép chính sách thuế quan từ Mỹ là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh tế, tăng tính tự chủ và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động.
Đây là chia sẻ của PGS, TS Trần Ngọc Mai - Khoa Kinh doanh Quốc tế, Học viện Ngân hàng với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Chính sách thuế quan từ Mỹ và phản ứng đối ứng từ các nước không đơn thuần là một thách thức, mà thực sự là một “cú hích” buộc Việt Nam phải nhìn lại và tái cấu trúc nền kinh tế một cách căn cơ hơn.
Trước hết là về mô hình tăng trưởng, bởi đây là phần gốc quyết định hướng đi và năng lực phản ứng của cả hệ thống. Đã đến lúc cần dịch chuyển dứt khoát từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào xuất khẩu thô và lắp ráp đơn giản sang phát triển theo chiều sâu, tập trung vào chế biến sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và sản xuất xanh. Đây là con đường tất yếu để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và nâng cao tính tự chủ nền kinh tế trong dài hạn.
Tiếp sau đó, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm sự phụ thuộc vào một vài thị trường lớn như Mỹ hoặc Trung Quốc, tránh tình trạng nền kinh tế bị đặt vào thế bị động mỗi khi có biến động chính sách. Việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký (như CPTPP, EVFTA, RCEP) sẽ là công cụ hữu hiệu để mở rộng thị trường sang các khu vực còn nhiều dư địa như Trung Đông, Nam Á, Nam Mỹ, châu Phi.
Song song với đó, chuỗi cung ứng cũng cần được tái cấu trúc theo hướng minh bạch, bền vững và nội địa hóa. Những bài học như việc hàng dệt may hay nông sản bị trả về do không đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc không đơn thuần là lỗi kỹ thuật mà phản ánh một lỗ hổng trong chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia. Vì vậy, cần có chiến lược bài bản, đồng bộ để tái định hình nền kinh tế Việt Nam trở thành mắt xích đáng tin cậy trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là điều kiện sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ số toàn diện từ khâu quản trị, sản xuất đến phân phối, chăm sóc khách hàng nhằm tối ưu chi phí, gia tăng tốc độ phản ứng thị trường và nâng cao trải nghiệm người tiêu dùng. Những doanh nghiệp biết tích hợp các nền tảng như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây hay thương mại điện tử sẽ là những đơn vị sống sót và bứt phá.
Kiểm soát chất lượng và minh bạch chuỗi cung ứng không còn là lợi thế mà là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp có thể xuất khẩu và duy trì uy tín thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp Việt dù có sản phẩm tốt nhưng vẫn bị từ chối vì thiếu minh bạch hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn ESG. Doanh nghiệp cần tích hợp việc truy xuất nguồn gốc, tuân thủ tiêu chuẩn lao động và môi trường vào chiến lược phát triển dài hạn.
Ngoài ra, doanh nghiệp nội địa cần dịch chuyển vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu từ vai trò gia công sang vai trò có giá trị gia tăng cao hơn như thiết kế, sản xuất, xây dựng thương hiệu. Đã đến lúc doanh nghiệp nội cần phải nghiêm túc đầu tư vào R&D, xây dựng sản phẩm, làm chủ công nghệ… và khai phá các lĩnh vực tiềm năng như công nghệ sinh học, vật liệu xanh, công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo hay logistics.
Tôi cho rằng vai trò kiến tạo của Chính phủ là vô cùng quan trọng.
Thứ nhất, Chính phủ cần tạo dựng một môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, ổn định và nhất quán để doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, nhất là khu vực SMEs theo hướng đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Thứ hai, chính sách tài khóa - kinh tế cần tạo động lực cho chuyển đổi. Các gói hỗ trợ nên tập trung vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sản xuất xanh, cùng với phát triển quỹ R&D quỹ tín dụng xanh, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ có định hướng phát triển bền vững.
Thứ ba, chính sách thu hút FDI cũng cần tái định hướng. Không chỉ ưu tiên vốn, mà cần lựa chọn các nhà đầu tư kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, có cam kết chuyển giao công nghệ, nội địa hóa và phát triển nhân lực.
Thứ tư, cần đặc biệt chú trọng xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp địa phương. Các trung tâm chuyển đổi số cấp tỉnh, mạng lưới tư vấn tiêu chuẩn xuất khẩu vùng và mô hình coaching doanh nghiệp do Nhà nước dẫn dắt nhưng huy động chuyên gia tư nhân sẽ là cánh tay nối dài giúp SMEs không bị bỏ lại trong quá trình tái cơ cấu.
Cuối cùng, Chính phủ cũng cần chủ động trong ngoại giao kinh tế và tham gia định hình luật chơi trong đàm phán các hiệp định thương mại thế hệ mới, đóng góp vào các tiêu chuẩn thương mại số và xanh, vận động các đối tác điều chỉnh chính sách phù hợp để bảo vệ lợi ích quốc gia trong các định chế thương mại mới đang hình thành.